HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp
Ngày đăng 10/10/2024 | 23:17  | Lượt xem: 110

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Diễn đàn có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tham dự diễn đàn tại Hà Nội bao gồm khoảng 350 đại biểu là đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đặc biệt là các đại biểu đến từ cộng đồng doanh nghiệp.

Tại điểm cầu địa phương, có sự tham gia của gần 3.700 đại biểu, là đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL các địa phương, đại diện các Sở, ngành, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng, hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”, là động lực, nguồn lực cho phát triển.

Việc đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng tạo hành lang pháp lý, đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong bối cảnh mới.

Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng ta cần thường xuyên rà soát, nhận diện và giải quyết các vấn đề pháp lý, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật.

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đã đề xuất Quốc hội đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 4 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 1/8/2024, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bộ Tư pháp – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cũng đã kịp thời phối hợp, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung làm rõ những vấn đề tồn tại trong các quy định về đầu tư, sản xuất kinh doanh, đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.

Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. GDP quý III tăng 7,4%, 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực với 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động...

Tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024.

Đó là: “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu".

“Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 hôm nay là một hoạt động thiết thực mà Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương thực hiện để triển khai chủ trương nhất quán này”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết.

Mai Chi