HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cần quy định “Công chứng viên với tư cách là người quản lý di sản”
Ngày đăng 30/03/2015 | 00:00  | Lượt xem: 216

Là ý kiến của Tiến sĩ Tuấn Đạo Thanh – Trưởng phòng công chứng số 1 thành phố Hà Nội tại hội nghị góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 24/3/2015 .

Là ý kiến của Tiến sĩ Tuấn Đạo Thanh – Trưởng phòng công chứng số 1 thành phố Hà Nội tại hội nghị góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 24/3/2015.

Ông Thanh cho rằng Dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi vẫn quy định nguyên tắc người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ dân sự do người chết để lại như Bộ Luật dân sự năm 2015 là chưa hợp lý. Theo ông, Dự thảo Bộ Luật dân sự  cần bổ sung "Công chứng viên với tư cách là người quản lý di sản". Bởi lẽ, với quy định hiện hành, khiến vai trò của người quản lý di sản không mấy phát huy hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Theo quy định của pháp luật người quản lý di sản hoàn toàn có đủ tư cách đứng ra thương thảo với bên có quyền và cũng có thể là người trực tiếp xử lý tài sản của người chết nhằm thanh toán các nghĩa vụ do chính người chết để lại khi được những người thừa kế chấp thuận bằng văn bản. Tuy nhiên thực tế triển khai khó khả thi. Ví dụ ông Nguyễn Văn A chết để lại di sản là một căn hộ chung cư và khoản nợ trị giá 1 tỷ đồng. Theo nội dung của pháp luật hiện hành, những người của ông Nguyễn Văn A có trách nhiệm thanh toán khoản nợ 1 tỷ đồng. Tiếp đó, căn cứ vào sự chấp thuận của những người thừa kế, người quản lý di sản có quyền bán căn hộ chung cư kể trên và thanh toán khoản nợ. Căn cứ vào Luật Nhà ở năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Thông tư 16/2010/TT-BXD ngày 01/09/2010 của Bộ xây dựng quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 …và kể cả Luật Nhà ở năm 2014) việc người để lại di sản bán căn hộ cho ông Nguyễn Văn A trong trường hợp này hoàn toàn không khả thi. Do vậy, cần xác định rõ ràng vai trò của công chứng viên trong chế định thừa kế với tư cách là người quản lý di sản.

Việc chính thức khẳng định công chứng viên có thể trở thành người quản lý di sản theo ý chí của người để lại di chúc hay dựa trên sự thỏa thuận của những người thừa kế bởi vì Dự thảo Bộ Luật dân sự sửa đổi cần phải tạo hành lang pháp lý riêng biệt để người quản lý di sản nói chung hay người quản lý di sản là công chứng viên nói riêng có thể thực hiện trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của mình, bao gồm cả việc xử lý tài sản nhằm thanh toán các nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Theo quy định pháp luật hiện nay, công chứng viên cũng là một trong những người có khả năng cao nhất trong việc xác định toàn bộ khối di sản cũng như nghĩa vụ của người chết để lại. Điều này sẽ khả thi hơn khi chúng ta xây dựng xong hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định tại Luật công chứng. Về mặt chí phí nguyên tắc người quản lý di sản được hưởng thù lao đã được quy định tại Khoản 2 Điều 641 dự thảo Bộ Luật dân sự sửa đổi. Do đó việc cho phép công chứng viên hưởng thù lao khi đóng vai trò người quản lý di sản hoàn toàn không gây ra bất kỳ sự xáo trộn đáng kể nào. Hơn thế nữa, Nhà nước còn có thể khống chế được mức thù lao của người quản lý di sản theo điểm d, Điều 70 Luật công chứng từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách.

Việc cho phép người để lại di sản hoặc những người được hưởng thừa kế có quyền chỉ định công chứng viên làm người quản lý di sản trong Bộ luật dân sự sẽ  là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cho phép để lại di sản hoặc những người được hưởng thừa kế cũng như của bên thứ ba có liên quan.

Thanh Tú