lĩnh vực khác

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có được đóng bảo hiểm xã hội?
Ngày đăng 27/11/2024 | 22:26  | Lượt xem: 96

Tôi mới được chỉ định làm Bí thư chi hộ tổ dân phố thuộc thành phố Hà Nội thay thế. Xin hỏi tôi được hưởng chế độ gì? Tôi có được tham gia bảo hiểm xã hội hay không?

Trả lời:

Tại khoản 6, 7, 8 Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định như sau:

Điều 33. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố

6. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 chức danh (bao gồm) được hưởng phụ cấp hàng tháng. Trường hợp Luật có quy định khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Khuyến khích việc kiêm nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, tổ dân phố.

7. Người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh quy định tại khoản 6 Điều này được hưởng hỗ trợ hàng tháng.

8. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố.

Theo khoản 2 Điều 35 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định như sau:

Điều 35. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố

 

....

2. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Như vậy, theo quy định hiện hành thì người đang làm việc chuyên trách cấp xã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế. Pháp luật không quy định người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 có hiêu lực từ ngày 1/7/2024 quy định đối tượng bảo hiểm y tế như sau:

Điều 2. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

e) Dân quân thường trực;

g) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

h) Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;

i) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;

k) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

l) Đối tượng quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

n) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Như vậy, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thì người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo Điều 4 Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND của Hà Nội thì mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Điều 4. Mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:

1. Mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

a) Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã: Bí thư Chi bộ hưởng phụ cấp 2,10 lần mức lương cơ sở; Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hưởng phụ cấp 2,10 lần mức lương cơ sở; Trưởng ban công tác Mặt trận hưởng phụ cấp 1,80 lần mức lương cơ sở.

b) Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định nêu trên: Bí thư Chi bộ hưởng phụ cấp 1,6 lần mức lương cơ sở; Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hưởng phụ cấp 1,6 lần mức lương cơ sở; Trưởng ban công tác Mặt trận hưởng phụ cấp 1,3 lần mức lương cơ sở.

2. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, được hưởng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất.

Như vậy, đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã: Bí thư Chi bộ hưởng phụ cấp 2,10 lần mức lương cơ sở. Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định nêu trên: Bí thư Chi bộ hưởng phụ cấp 1,6 lần mức lương cơ sở . Bác cần căn cứ vào quy định trên thì Bác sẽ được trả chế độ theo quy định.

Mai Hoa