LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Người lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?
Ngày đăng 13/07/2024 | 19:22  | Lượt xem: 111

Em gái tôi đang làm kế toán theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn cho một công ty đóng tại tỉnh Y. Nay em gái tôi lập gia đình và chuyển đến thành phố H sinh sống. Vậy, tôi muốn biết quy định của pháp luật về quyền đơn phương

chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động? Trường hợp nếu người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của em tôi thì có bị xử lý  gì không? 

           Trả lời:

           Theo Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với mộ số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động”.

           Như vậy, đối chiếu với quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 35 thì em gái anh/chị đang làm việc cho công ty theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nếu muốn nghỉ việc thì em gái anh/chị có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho công ty  trước 45 ngày.

 - Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

“1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.”

- Theo Khoản 1 Điều 5  Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 quy định mức phạt tiền: “1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3, 4, 6 Điều 12; khoản 2 Điều 24; khoản 1 Điều 25; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 26; khoản 5 Điều 40; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 41; khoản 2, 4 Điều 42; khoản 1, 2 Điều 43; các khoản 1, 2, 3 Điều 44; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 45 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật nếu trong trường hợp người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động là vi phạm quy định tại điểm a Khoản 1, điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (đối với cá nhân), bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức); Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động.

Như Quỳnh