LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Người lao động có quyền từ chối làm việc không?
Ngày đăng 09/07/2024 | 19:16  | Lượt xem: 100

Anh H nhận lời và ký hợp đồng đi làm công nhân khai thác đá ở trên địa bàn huyện dù biết đây là công việc nặng nhọc. Khi đến công trường khai thác đá, nhận thấy công việc nổ mìn khai thác đá rất nguy hiểm, anh H đã từ chối làm việc.

Mặc dù trước khi cho nổ mìn thì tất cả công nhân đều được cách ly đứng xa nơi nổ mìn, nhưng nguy cơ bị đá văng vào người, hoặc đá lở từ trên đỉnh xuống gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe vẫn có thể xảy ra (một công nhân làm cùng anh H vừa bị gãy chân vì bị đá văng phải). Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp khai thác cho rằng, Anh T đã tự nguyện ký hợp đồng khai thác đá thì phải theo hợp đồng mà làm, không được từ chối làm việc. Anh T đề nghị cho biết: pháp luật có quy định về việc người lao động có quyền từ chối làm việc không? 

Trả lời:

Theo Điểm d khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, theo đó thì anh T có quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc. Như trong tình huống anh T nêu trên thì việc khai thác đá nhiều tiềm ẩn nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của bản thân trong quá trình khai thác đá. Do vậy, anh T có quyền từ chối làm việc. Ngoài ra, cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 thì anh T còn có những quyền sau đây:

“a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

e) Đình công;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Như Quỳnh