LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM
Bà Mai làm nghề buôn bán tự do từ khi trẻ cho đến nay. Hiện bà 39 tuổi, mong muốn về già có lương hưu cho ổn định nên dự định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bà Mai muốn biết: Nếu bà tham gia từ bây giờ thì phải đóng trong bao lâu mới được hưởng chế độ lương hưu?
Trả lời:
- Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội quy định “Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình”.
- Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
a) Hằng tháng;
b) 03 tháng một lần;
c) 06 tháng một lần;
d) 12 tháng một lần;
đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
- Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức lương hưu hằng tháng
“2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%’’.
- Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và theo phương thức đóng tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được quy định như sau:
1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
2. Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
3. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
4. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
5. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
6. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:
a) Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
b) Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
c) Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.
Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động trong trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có)”.
- Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.
2. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
3. Phương thức hỗ trợ:
a) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng bảo hiểm xã hội phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện do cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ định;
b) Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội;
c) Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ bảo hiểm xã hội của năm đó.
4. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành; ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn”.
Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng của người tham gia bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Khác với BHXH bắt buộc phải đóng hằng tháng, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn một trong các phương thức sau: đóng hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần và đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá 5 năm một lần).
Trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Ngoài ra, khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo 30% trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; hộ cận nghèo là 25%; những người còn lại được hỗ trợ 10%.
Về điều kiện hưởng lương hưu, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Về mức lương hưu hằng tháng, mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm 1 năm được tính 2% cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lương hưu hằng tháng cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào thu nhập tháng đóng BHXH mà người tham gia lựa chọn, số năm đóng BHXH và hệ số trượt giá vào thời điểm người lao động nghỉ hưu.
Như Quỳnh
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
- Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
- Khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC trong thời điểm mùa hanh khô