LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Khi công ty bị phá sản thì người lao động được bảo vệ quyền lợi như thế nào?
Ngày đăng 12/07/2024 | 19:15  | Lượt xem: 51

Anh T làm việc cho công ty HH theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ tháng 6 năm 2018 Đến nay, công ty HH tuyên bố phá sản và chuyển nhượng toàn bộ nhà máy và nhân sự cho công ty BB. Anh T được công ty BB

cho thôi việc. Xin hỏi: Anh T được hưởng quyền lợi gì? 

Trả lời:

- Khoản 11 Điều 34 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:

“11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này”.

- Khoản 5, 6 Điều 42 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi vì lý do kinh tế:

“5. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này.

6. Việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động”.

- Khoản 3 Điều 43 Bộ Luật Lao động năm 2019  Nghĩa vụ của người sử dụng lao động như sau: “Người lao động bị thôi việc thì được nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này”.

Trong trường hợp này, hợp đồng lao động giữa chị T và công ty HH bị chấm dứt theo trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã (khoản 11 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019). Do vậy, anh T được hưởng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:

“1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm”.

Như Quỳnh