HÒA GIẢI CƠ SỞ

Hòa giải viên Thân Quang Hoã, xã Dục Tú, huyện Đông Anh - Nghệ nhân trong hòa giải tranh chấp thừa kế
Ngày đăng 30/12/2024 | 23:40  | Lượt xem: 98

Ông Thân Quang Hoãn sinh năm 1956, hiện là Bí thư chi bộ, trưởng Ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Đình Tràng, xã Dục Tú, huyện Đông Anh. Ông Hoãn đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở từ năm 2017 đến nay nhưng trước đó ông tham gia hoạt động hòa giải tại cơ sở từ trước năm 1996. Câu chuyện của ông Hoãn đã trở thành một tấm gương sáng trong thôn xóm về vai trò của hòa giải viên.

Trong những năm gần đây, công tác hòa giải ở cơ sở đặc biệt được Đảng và Nhà nước quan tâm vì vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở với sự ổn định chính trị và trật tự tại địa phương là rất lớn. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở UBND xã Dục Tú, huyện Đông Anh rất quan tâm đến công tác hòa giải tại địa phương, quan tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở, hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải theo đúng quy định nên những năm gần đây công tác hòa giải trên địa bàn xã Dục Tú đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Để công tác hòa giải thật sự có hiệu quả và gắn liền với đời sống của nhân dân, công tác Tuyên truyền về câu chuyện hòa giải, tấm gương hòa giải tiêu biểu tại các địa phương để nhân rộng, động viên các điển hình hòa giải viên tiêu biểu là hết sức cần thiết. Ông Thân Quang Hoãn sinh năm 1956, hiện là Bí thư chi bộ, trưởng Ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Đình Tràng, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông Hoãn nguyên là công chức Tài chính kế toán cấp xã, có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng. Ông Hoãn đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở từ năm 2017 đến nay nhưng trước đó ông tham gia hoạt động hòa giải tại cơ sở từ trước năm 1996. Thời điểm đó, tuy các quy định về hòa giải chưa cụ thể như hiện nay nhưng cứ gia đình nào có mâu thuẫn, tranh chấp thì đại diện các ngành, đoàn thể của thôn coi đó là nhiệm vụ của mình và đến gặp gỡ các gia đình để hòa giải khi có các mâu thuẫn, xích mích tại địa phương. Lúc này còn chưa có các chế độ hỗ trợ cho các tổ hòa giải như hiện nay nhưng ai cũng nhiệt tình tham gia và mỗi khi hòa giải thành các vụ việc thì các thành viên của tổ hòa giải đều cảm thấy vui vẻ, sự bình yên của xóm làng, hạnh phúc của các gia đình là nguồn động lực to lớn giúp ông Hoãn và các thành viên tổ hòa giải luôn phấn đấu, nỗ lực với công việc của mình. Với tâm huyết và sự tận tâm, ông Hoãn cũng đã giúp đỡ nhiều gia đình giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tránh được những tình huống căng thẳng và xung đột kéo dài.

Ông Thân Quang Hoãn tâm sự trong suốt những năm tham gia hòa giải ở cơ sở, có rất nhiều vụ việc hòa giải đáng nhớ, nhưng vụ việc hòa giải mà ông nhớ nhất là vụ việc tranh chấp quyền thừa kế giữa ông Nguyễn Hồng Quang và bà Nguyễn Thị Tênh, công dân thôn Đình Tràng.

Nội dung vụ việc như sau: Bố mẹ bà Nguyễn Thị Tênh chỉ có bà Tênh là con gái, không có con trai nên đã nhận nuôi ông Nguyễn Hồng Quang từ nhỏ để sau này có người chăm sóc và thờ cúng hương hỏa. Mâu thuẫn giữa bà Nguyễn Thị Tênh và ông Nguyễn Hồng Quang bắt đầu khi bố mẹ hai ông bà mất. Bà Nguyễn Thị Tênh cho rằng ông Nguyễn Hồng Quang không hoàn thành trách nhiệm của một người con trai, không tận tâm phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng tổ tiên nên yêu cầu chia lại phần đất bố mẹ để lại để bà Tênh tự xây dựng nơi thờ cúng riêng. Tranh chấp kéo dài. Tòa án thụ lý giải quyết và đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà Tênh bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, ông Quang không chấp hành theo bản án đã tuyên nên bà Tênh yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành bản án.

Vụ việc trên khiến ông Thân Quang Hoãn suy nghĩ nhiều ngày mong tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Ông Thân Quang Hoãn vẫn thường xuyên tới nhà ông Nguyễn Hồng Quang và bà Nguyễn Thị Tênh, lắng nghe từng bên trình bày quan điểm của mình. Khi có sự căng thẳng, ông nhẹ nhàng can thiệp để làm dịu không khí, giúp hai bên tập trung vào việc tìm ra giải pháp. Ông khuyến khích hai bên suy nghĩ về tình cảm gia đình, những kỷ niệm đẹp và giá trị của sự đoàn kết. Ông nhắc lại những khoảng khắc hồi nhỏ của hai chị em giúp đỡ, yêu thương nhau. Bên cạnh đó, ông cũng đã khéo léo đưa ra các phương án phân chia tài sản hợp lý, đồng thời nhấn mạnh rằng việc giữ gìn tình cảm gia đình quan trọng hơn nhiều so với giá trị vật chất. Nhờ sự dẫn dắt của ông, hai chị em đã dần hiểu nhau hơn và cuối cùng đi đến một thỏa thuận hợp lý, đồng ý phân chia tài sản theo cách mà cả hai đều cảm thấy công bằng. Nhờ nỗ lực không ngừng của ông Hoãn và tổ hòa giải đã tác động lớn đến tư tưởng của hai chị em ông Quang, bà Tênh. Trước thời điểm Chi cục Thi hành án dân sự tổ chức cưỡng chế thi hành án, ông Nguyễn Hồng Quang đã thay đổi quan điểm và đồng ý với phương án hòa giải mà ông Hoãn đã gợi ý đề ra. Ông Nguyễn Hồng Quang cũng đã xin lỗi chị gái vì những hiểu lầm không đáng có, cảm ơn tổ hòa giải đã luôn sát cánh cùng với gia đình, ngay cả khi hòa giải tại cơ sở không thành, ông Thân Quang Hoãn và tổ hòa giải vẫn không bỏ cuộc, tiếp thục theo sát và động viên hai bên gia đình để hai gia đình không vì tranh chấp, mâu thuẫn mà mất tình cảm chị em.

Câu chuyện của ông Thân Quang Hoãn đã trở thành một tấm gương sáng trong thôn xóm về vai trò của hòa giải viên. Ông không chỉ là người giải quyết tranh chấp mà còn là người giáo dục về giá trị của sự thấu hiểu và tình cảm gia đình. Ông cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về hòa giải, giúp người dân hiểu rõ hơn về quy trình và lợi ích của việc hòa giải trong việc giữ gìn hòa khí và tình cảm gia đình. Sự nỗ lực của ông đã góp phần xây dựng một cộng đồng làng xóm văn minh, nơi mà sự thấu hiểu và lòng khoan dung được đặt lên hàng đầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoãn cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc của mỗi gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, những thành viên tham gia tổ hòa giải đều là những người nhiệt huyết, thích tham gia công tác xã hội, để tổ hòa giải phát huy tốt nhiệm vụ của mình theo ông Hoãn cần quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất, những người làm công tác hòa giải cần phải làm gương cho mọi người về việc nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình, nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn xóm, được nhân dân tin yêu, có được uy tín của cộng đồng khi tham gia hòa giải mới tạo được sự tin tưởng của nhân dân.

Thứ hai, những người làm công tác hòa giải cần hòa đồng, gần gũi, hỏi han chuyện trò với bà con lối xóm để nắm bắt được những thông tin cần thiết, phát hiện sớm mâu thuẫn, tranh chấp, kịp thời có biện pháp tuyên truyền, động viên nhân dân, tránh để mâu thuẫn phát sinh kéo dài, khó giải quyết, khi vụ việc hòa giải không thành vẫn phải sát cánh cùng các gia đình để có những khuyên giải hợp lý, tránh mâu thuẫn, xích mích ngày càng trầm trọng giữa các bên.

Thứ 3, các thành viên tổ hòa giải cần tìm hiểu các quy định pháp luật về một số lĩnh vực cơ bản như: Luật Hòa giải, Luật hôn nhân gia đình, Luật đất đai và căn cứ vào thực tế địa phương để vận dụng vào các vụ việc hòa giải đảm bảo các vụ việc hòa giải được thực hiện kịp thời, thấu tình đạt lý.

Thứ tư, cần quan tâm đến các gia đình có các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đã được hòa giải tránh để tiếp tục phát sinh các mâu thuẫn, bảo vệ thành quả hòa giải.

Thứ năm, cần có sự liên hệ, trao đổi thường xuyên với Ủy ban nhân dân xã trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp mang tính phức tạp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hòa giải các vụ việc tại địa phương.

Ông Hoãn đại diện tổ hòa giải đề xuất các cấp chính quyền cần có sự quan tâm đến các thành viên trong tổ hòa giải, có sự quan tâm trong đào tạo, bồi dưỡng hòa giải viên về các kỹ năng hòa giải, quan tâm hỗ trợ kinh phí thêm cho các tổ hòa giải nhằm động viên các thành viên trong tổ hòa giải, giúp họ phấn khởi tham gia công tác.

Suốt những năm qua, ông Hoãn luôn đi tiên phong trong công tác hòa giải, trở thành tấm gương sáng về công tác hòa giải cơ sở, được các thành viên trong tổ hòa giải học tập, noi gương, được nhân dân yêu mến, tin tưởng, đây là một điển hình sáng về công tác hòa giải cơ sở, xứng đáng được ghi nhận, để nhân rộng tấm gương về hòa giải cơ sở trên địa bàn xã Dục Tú nói riêng và trên địa bàn huyện Đông Anh nói chung./.

Lê Thị Phương Liên - xã Dục Tú, huyện Đông Anh