HÒA GIẢI CƠ SỞ

Chuyện tái hợp của anh Dũng, chị Hà
Ngày đăng 26/03/2024 | 14:06  | Lượt xem: 101

Trong ngôi nhà khang trang ở huyện ngoại thành Gia Lâm, anh Dũng chị Hà luôn tất bật từ sáng tời tối khuya với xưởng may nho nhỏ quây lại từ khoảng sân rộng trước nhà.

Xưởng may quy mô nhỏ chỉ 10 công nhân nhưng mọi người đều luôn chân luôn tay, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy cho dù lĩnh vực dệt may không ít người gặp khó và không có việc nhưng vì chị Hà là người có tay nghề cao và tổ chức công việc tốt cho đội ngũ thợ lành nghề, nhà chị Hà luôn có nhiều đơn hàng làm không hết việc. Anh Dũng vừa sửa chữa lại hệ thống điện của xưởng, lúc lại tranh thủ là, gấp, miệng không lúc nào ngớt lời trêu chọc trò chuyện động viên mọi người. Công việc nhiều, công nhân thợ thuyền ai nấy đều tập trung khẩn trương tăm tắp làm việc nhanh và hiệu quả theo điều hành của chị Hà, vợ anh Dũng

Chả ai nghĩ rằng cách đây 3 năm, sau mấy lần mở cửa lại đóng lại do dịch Covid, phải vay vốn toàn bộ để mở xưởng, lại mở thêm cả cửa hàng trưng bày sản phẩm ở khu phố cổ đắt đỏ nên chỉ trong vòng gần 1 năm, công việc đã đi vào bế tắc, nợ nần không trả được, càng ngày càng khó khăn, làm không đủ ăn. Cũng từ đó, gia đình luôn xảy ra mâu thuẫn, rồi phải dẫn nhau ra tổ hòa giải để nộp đơn xin ly hôn. Dù tổ hòa giải đã ra sức khuyên can thế nào, vợ chồng anh chị cũng cương quyết không thỏa thuận. |”Cháu không thể chịu được tính bảo thủ, khó tính của chồng cháu. Mọi việc chuyên môn là của cháu, anh ấy chỉ phụ giúp được nhưng cứ xen vào và quyết các việc vô lý làm hỏng chuyện. Cháu nói thì gắt gỏng rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cháu không thể chịu được” – chị Hà nói

Sau đó, do vụ việc hòa giải nhiều lần không thành, Tổ hòa giải đã chuyển lên Ban hòa giải, rồi chuyển lên Tòa án, nhưng vẫn không thay đổi được ý định của đôi vợ chồng này, vụ việc cũng kéo dài gần 2 năm. Không đạt được sự thỏa thuận của hai bên, đến lúc Tòa án nhân dân quyết định kê biên tài sản để phân chia sau khi ly hôn thì xảy ra sự việc bất ngờ.

“Tôi còn nhớ, hôm đó tôi mang giấy mời của Tòa án xuống để đưa cho vợ chồng anh Dũng. Khi đến nơi, hai vợ chồng đều nói là không đi nữa. Tôi ngơ ngác không hiểu lý do, thì vợ chồng Dũng, Hà. nhìn nhau rồi bật cười, tôi kịp nhận ra sự tình, nên không hỏi tiếp mà trở về nhà. Trong lòng tôi cảm thấy vui lắm, cứ nghĩ họ đã đứng trên bờ vực đổ vỡ không thể cứu vãn được, nào ngờ có thể hàn gắn một cách ngoạn ngục” - ông Thức, tổ trưởng tổ hòa giải phấn khởi.

Hòa ra khi ngồi lại, vì thương 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, họ cố gắng tìm mọi cách qua trở lại, quyết tâm mở lại xưởng và chăm chỉ làm ăn. Công việc vốn rối ren đã đi vào ổn định, anh Dũng cũng tôn trọng chuyên môn của vợ, nên không can thiệp hay nhúng tay quyết định, để chị chủ động tự quyết mọi việc, anh chỉ hỗ trợ điện đóm kỹ thuật và đóng hàng.

Chỉ gần 1 năm sau, anh chị đã trả gần hết nợ và xây sửa lại cơ ngơi nhà cửa khang trang. Con cái ngoan ngoãn, học giỏi, vợ chồng tôn trọng lẫn nhau và ngày càng yêu thương nhau hơn. Hà vợ Dũng. chia sẻ “Cuộc sống gia đình cũng thoải mái hơn trước, con cháu ngoan ngoãn, cháu không mong muốn gì hơn nữa! Có lẽ vì sau một phút nóng giận nghĩ lại những lời các thành viên tổ hòa giải phân tích, chúng cháu còn thương yêu nhau, nên quyết định trở về với nhau”.

Sau vụ việc này, các thành viên trong tổ hỏa giải có thêm nhiều kinh nghiệm, không phải tất cả những vụ việc ly hôn đều không thể hòa giải thành, mình cần phải kiên nhẫn, giải quyết từng bước một để hai bên có đủ thời gian suy nghĩ lại và đưa ra những quyết định chính xác nhất

Thế mới nói, cuộc sống muôn màu muôn vẻ và những người làm công tác hòa giải ở cơ sở là những người trải nghiệm nhiều nhất, chứng kiến nhiều sự việc bất ngờ đôi lúc dở khóc dở cười. Nhưng nhìn chung cũng từ những câu chuyện bi, hài đó mà họ có thêm nhiều kinh nghiệm trong hòa giải và đó cũng là niềm vui, là động lực để những người làm công tác hòa giải tiếp tục công việc của mình.

Lê Nguyễn