HÒA GIẢI CƠ SỞ

Chuyện mừng thọ nhà cụ Nhân
Ngày đăng 18/01/2025 | 20:27  | Lượt xem: 41

Còn nửa tháng nữa là đến tết Nguyên Đán, năm nay cụ Ban được tuổi 90, cụ có tổ chức bữa cơm gia đình chào năm mới 2025, sau bữa ăn cụ có ý kiến với các con.

- Năm nay nhờ phúc ấm Tổ tiên, bố được tuổi 90, bố định tổ chức khao thọ vào mùng 4 tết Nguyên Đán, theo các con thì thế nào, anh cả sống gần với bố nhất, lại ở quê cho biết xem thế nào.

- Dạ, theo con thì ta cứ làm độ đôi chục mâm mời anh em trong nội tộc, anh em trong gia đình, thông gia, các bạn thân của các con.

- Rồi, đó là ý kiến anh cả, anh Lân công tác ở xã xem thế nào.

- Dạ, con thấy bố được tuổi 90 là mừng lắm, phong tục quê ta thì con thấy là có mừng thọ, nhưng mấy năm rồi, số lượng cỗ hình như đã giảm hẳn, nhiều gia đình chỉ làm mấy mâm con cháu thôi. Chứ không làm rùm beng, cỗ to nữa ạ. Giờ mình lại làm to thế, sợ lời ra tiếng vào không.

- Rồi, đó là ý kiến của anh Tiến, còn anh Hào, trưởng thôn quê mình.

- Dạ, con thì có ý kiến như thế này. Việc mừng thọ là nét đẹp truyền thống, kính lão của dân tộc, trọng tuổi. Đúng như anh Lân nói, mấy năm rồi ở quê mình, con thấy cũng chẳng tổ chức lớn. Ở thôn tổ chức mời các cụ tuổi tròn ra ngoài Nhà Văn hóa thôn, tổ chức liên hoan bánh kẹo vào mùng 2 tết. Sau đó con cháu nào có lòng ủng hộ vào quỹ chăm sóc Người Cao tuổi thôn. Sau đó nhà ai về nhà ấy, làm mấy mâm con cháu chứ không mời khách nào. Năm trước, bố vợ con cũng làm thế. Hơn nữa các con cháu, anh em vẫn đến chúc mừng cụ, có chén nước, tiền mừng thọ cụ cóp được gửi ngân hàng để nhỡ có ốm đau có số tiền đó chăm lo cho mình trước, con cháu cũng đỡ phần nào. Hơn nữa cũng về mừng thọ, con thấy có nhiều nơi tổ chức hàng trăm mâm, ăn uống linh đình vừa tốn kém, lãng phí, các cụ mệt ạ.

Khi anh Hào nói đến đây, bác Cả liền nói xen vào.

- Chú hay thật, tuy quê mình có nhiều gia đình con cháu, nhưng vẫn có nhiều gia đình cũng làm 15 mâm đến 20 mâm đó. Mới lại người ta mời mình rồi, giờ mình không mời người ta được à.

- Vâng, anh nói thế thì em giải thích. Đấy anh cứ có tư tưởng thế có phải lỗi thời không. Giờ em hỏi anh, mấy năm trước ở quê mình, có gia đình làm cỗ to, ai đến ăn cũng chỉ làm chén rượu, gắp vài miếng ăn cho có lệ. Giờ vật chất có ai thiếu đâu, ngày thường nhiều người giờ ăn kiêng, còn không dám ăn nữa. Tổ chức cỗ ra đó, ăn không ăn được, lại lãng phí. Tiền mừng thọ cho cụ, nếu không làm cỗ cũng đỡ tốn kém, mọi người đỡ phải áy náy. Em có ông bạn ở quê khác, có mấy ngày tết đi ăn cỗ mừng thọ, chạy sô, ăn thì không ăn được mà chết mệt. Mình cứ nợ miệng thế thì mệt tất. Ở quê mình, nhiều gia đình chỉ tổ chức trà nước, con cháu cũng đỡ phải lo cỗ, người đến mừng thọ, biếu cụ vài đồng cụ lấy thêm tiền dưỡng già, ai cũng phấn khởi, không phải lo này nọ. Theo em sống với nhau, sống với bố mẹ, cốt là chăm nom, sống quan tâm đến bố mẹ, chứ việc tổ chức mừng thọ đâu nhất thiết phải to hả anh. Ấm cúng vài mâm, con cháu vui vầy.

- Rồi, các con có ý kiến thế, bố rất mừng. Ai cũng có cái lý của mình, nhưng thôi, giờ bố thấy việc mừng thọ đã gọn nhẹ. Mấy lần trước mừng thọ, riêng việc lo cỗ cho bố, các con đã phải bàn tính xem ăn cái gì cho nó đỡ ngán trong mấy ngày tết đã vất vả rồi. Bố ngồi tiếp khách mấy ngày rất mệt mỏi, vất vả, xong ốm mất mấy ngày. Ở quê mình giờ cũng không còn lo việc là mời mọc nữa, các gia đình cũng thấy ngày tết vui chơi là chính, nên bố quyết định chỉ làm mấy mâm con cháu trong gia đình mình, gọi là mừng cho bố tuổi 90.

- Dạ, vâng chúng con đồng ý ạ.

Hồng Đạt