GÓC NHÌN

Số lượng các văn bản liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy cần xử lý rất lớn
Ngày đăng 13/01/2025 | 12:51  | Lượt xem: 26

Kết quả rà soát hệ thống VBQPPL cho thấy, trong tổng số 5.026 văn bản chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng các văn bản cần xử lý là rất lớn.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp trao đổi, góp ý đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Việc hình thành, tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các Bộ, cơ ngang bộ được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Vì vậy, hệ thống các VBQPPL liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ cần phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế làm cơ sở cho việc sắp sếp, tổ chức bộ máy, không tạo ra khoảng trống pháp lý sau khi sắp xếp.

Kết quả rà soát hệ thống VBQPPL cho thấy, trong tổng số 5.026 văn bản chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng các văn bản cần xử lý là rất lớn.

Trong đó, tập trung vào một số nhóm nội dung chính: Nhóm VBQPPL chỉ liên quan đến việc thay đổi tên gọi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có 3.887 văn bản; nhóm VBQPPL có nội dung “cần xử lý ngay” (ngoài việc thay đổi tên gọi), trong đó có những vấn đề có tính chất chung giữa các bộ và có những vấn đề có tính chất đặc thù riêng của từng bộ, ngành, có 762 văn bản cần xử lý ngay nhưng có thể xử lý theo nguyên tắc chung;

Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp cho biết, ngoài hai nhóm nội dung chính trên, còn có nhóm các VBQPPL cần xử lý ngay nhưng có tính chất đặc thù, không thể xử lý theo nguyên tắc chung mà cần sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể (có 74 văn bản) và nhóm các VBQPPL có nội dung cần xử lý nhưng chưa đến mức cấp thiết phải xử lý ngay (thực hiện việc sửa theo lộ trình), gồm 326 văn bản.

Toàn cảnh cuộc họp.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rà soát gần 1.700 VBQPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Trung ương...

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy đề xuất hai chính sách. Chính sách 1 là ban hành quy định cụ thể để xử lý một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Nhóm chính sách này sẽ quy định nội dung và nguyên tắc xử lý liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy; việc thực hiện thủ tục hành chính; việc xử lý một số vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng thanh tra; việc xử lý liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi sắp xếp tổ chức bộ máy; giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ban hành.

Chính sách 2 là ban hành quy định về trách nhiệm, thời hạn rà soát, sửa đổi VBQPPL của các cơ quan liên quan để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền ngoài các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết và một số nội dung cần chuyển tiếp liên quan đến áp dụng và thực hiện pháp luật sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thông tin về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy cho biết, Cục Kiểm tra VBQPPL đang tiếp tục tổng hợp kết quả rà soát VBQPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành còn hiệu lực chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương để phục vụ xây dựng Hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội.

Tính đến ngày 3/1/2025, Cục Kiểm tra VBQPPL nhận được thông tin, báo cáo của 37 địa phương. Theo đó, các địa phương đã rà soát 1.291 VBQPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Trung ương, trong đó tập trung nội dung quy định (tên) hoặc dẫn chiếu đến các văn bản do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành)...

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và nội dung của dự thảo Nghị quyết; nội dung Báo cáo đánh giá tác động chính sách...

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị Thường trực Tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến tại cuộc họp, từ đó phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết,  điều chỉnh một số quy định về “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan,  quy định về việc “Xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết”...

Mai Chi