GÓC NHÌN

Rà soát các khó khăn, vướng mắc của hoạt động bảo hiểm y tế
Ngày đăng 19/09/2024 | 08:10  | Lượt xem: 69

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng vừa chủ trì phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng vừa chủ trì phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.

Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách, chế độ BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh về đối tượng tham gia, phạm vi được hưởng của BHYT; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng BHYT…

 Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là cần thiết để bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT...

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT. Về đối tượng được quỹ BHYT chi trả chi phí vận chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú có chỉ định phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung đối tượng là các sỹ quan công an, quân đội cơ yếu đang hưởng lương hưu để đồng bộ, thống nhất.

 Hiện nay, dự thảo Luật đang quy định 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm của những lần đi khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người bệnh như hiện hành, cần bổ sung thêm các trường hợp khám bệnh trong trong trường hợp cấp cứu (bất khả kháng), khám lại theo hẹn trước đó được chuyển tuyến, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng như K, chạy thận... sử dụng giấy chuyển tuyển một lần vào nhóm đối tượng trên.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho rằng, các nội dung được đề xuất sửa đổi khá rộng, vì vậy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đánh giá tác động một cách đầy đủ, thận trọng để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT.

 Về giám định BHYT, dự thảo Luật có đánh giá giám định BHYT là hoạt động đặc trưng trong lĩnh vực BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh, người hành nghề, chất lượng dịch vụ y tế và quỹ BHYT.

Tuy nhiên Luật BHYT hiện hành còn thiếu các quy định về nguyên tắc, cách thức, điều kiện thực hiện, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và BHYT… Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện, thay đổi nội hàm công tác giám định; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này...

Ông Hoàng Liên Phương, Vụ pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo vào nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng hoặc bổ sung vào nhóm do ngân sách nhà nước đóng, để đảm bảo đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội...

Phát biểu kết luận phiên thẩm định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của Bộ Y tế.

Theo Thứ trưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là một luật khó, có tác động nhiều đến người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, yếu thế. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các khó khăn, vướng mắc của hoạt động BHYT trong thực tế để sửa đổi Luật một cách bài bản và đảm bảo phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Dự án Luật BHYT (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm có 4 nhóm chính sách, bao gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Mai Chi