GÓC NHÌN
Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết đã làm việc với 10 bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết và 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Tại thời điểm kiểm tra, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 26 văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Ngoài ra, có 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2021.
Đáng quan tâm là việc một nghị định có nhiều thông tư hướng dẫn dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, quy định không cần thiết, tạo ra rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Điều này còn làm tăng thêm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, gây phức tạp hóa cho việc tra cứu và thực thi pháp luật của người dân, làm cản trở sự thông thoáng của hệ thống pháp luật và gia tăng chi phí, thời gian của người dân và xã hội, cần được khắc phục và chấn chỉnh.
Ngoài một số nguyên nhân khách quan, các bộ, cơ quan đã nhận định việc chậm trình văn bản quy định chi tiết cơ bản thuộc trách nhiệm, thiếu sót của bộ, cơ quan chủ trì. Theo đó, cách thức chỉ đạo, triển khai thực hiện của người đứng đầu tại một số đơn vị của bộ chưa quyết liệt, hiệu quả; thụ động, không tích cực đôn đốc, theo dõi quá trình xử lý văn bản của các bộ, cơ quan đối với đề nghị của bộ, cơ quan mình để kịp thời bàn bạc, tìm kiếm sự đồng thuận khi có ý kiến, quan điểm giải quyết khác nhau; chưa chủ động tìm kiếm, đề xuất giải pháp xử lý các văn bản có nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương.
Vì vậy, nhiều Bộ đã hoàn thành cam kết, như Bộ Tài chính (5 văn bản); Bộ Giáo dục và Đào tạo (3 văn bản); Bộ Nội vụ (6 văn bản)… Cụ thể, với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính xin thời hạn trình trong tháng 9 – 2020; với Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Nội vụ hiện đang xin ý kiến thành viên Chính phủ; Bộ Công Thương cam kết sẽ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia ngay sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị về dự thảo Nghị định…
Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo và các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đối với công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, cơ bản xử lý, trình ban hành 26 văn bản nợ, chậm ban hành; tập trung cao độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1-1-2021, bảo đảm đúng tiến độ được phân công.
Đồng thời, tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ, ngành mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện chồng chéo, bất cập, các khó khăn, vướng mắc để đề xuất điều chỉnh, xử lý, tháo gỡ. Cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết, nhất là thông tư, theo hướng một nghị định, các bộ chỉ ban hành 01 thông tư hướng dẫn.
Cũng liên quan đến công tác văn bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vừa chủ trì cuộc họp của Tổ công tác để đánh giá về tình hình triển khai các nhiệm vụ.
Theo đó, Tổ Công tác đã tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm VBQPPL đối với 11 chuyên đề, lĩnh vực. Trong đó đã thực hiện xong 01 chuyên đề, lĩnh vực (quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế); 05 Nhóm đã có Báo cáo rà soát chính thức; 05 Nhóm đã có dự thảo Báo cáo.
Tính đến ngày 30-7, Tổ công tác đã tiếp nhận 109 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc gửi đến với 4162 nội dung kiến nghị, phản ánh.
Còn trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã thực hiện kiểm tra đối với 1.136 văn bản (103 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.033 văn bản của địa phương), kịp thời phát hiện, kết luận kiểm tra và kiến nghị xử lý đối với các văn bản có quy định trái pháp luật.
Bảo Khánh
thông báo
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác tư pháp trên địa bàn Thành phố năm 2025
- Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đến hết ngày 30/6/2025
- Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025