GÓC NHÌN

Chỉ đầu tư độc quyền Nhà nước trong một số công trình điện quan trọng
Ngày đăng 06/09/2024 | 16:55  | Lượt xem: 108

Với các lưới điện truyền tải cao áp, về nguyên tắc, chỉ độc quyền các lưới điện có cấp điện áp trên 220 kV trở lên và mang tính chất truyền tải, còn các đường dây mang tính chất liên kết sẽ xã hội hóa

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), với rất nhiều chính sách mới.

Áp dụng theo giá thị trường

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là hết sức cần thiết để sửa đổi, bổ sung những bất cập, hạn chế trong quá trình vận hành điện lực thời gian qua, nhất là về vấn đề giá điện, quy hoạch điện, tiêu thụ điện, vấn đề mất điện, đặc biệt trong mùa nắng.

Về hoạt động mua bán điện, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phải áp dụng điện theo giá thị trường để sau này điện lực không còn đổ thừa năm nào cũng bị lỗ là do điện bao cấp. Tuy nhiên áp dụng điện theo giá thị trường thì đối tượng chính sách, an sinh xã hội Nhà nước phải đảm bảo.

“Đây là một điểm rất nhân văn để đảm bảo sòng phẳng, để người dân tiêu thụ điện không nói giá điện cao hay thấp, người bán điện là điện lực không nói bán điện bao cấp cho nên bị lỗ. Tôi rất thống nhất về hoạt động mua bán điện theo hướng sắp tới đây là giá dịch vụ điện theo hướng thị trường và mua bán điện theo hình thức của thị trường cạnh tranh”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng góp ý, việc xem xét thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) phải thực hiện theo quy trình 2 kỳ họp, Kỳ họp thứ 8 cho ý kiến lần đầu và Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho rằng, dự án Luật đặt ra rất nhiều vấn đề và cũng còn rất nhiều vấn đề tồn tại. “Tôi chỉ có một câu hỏi là sửa đổi Luật lần này có chống độc quyền như hiện nay hay không? Chúng ta đã đổi mới được ngành Bưu chính viễn thông rất xuất sắc, cách đây gần 20 năm gọi một cuộc điện thoại mất mấy nghìn, một tháng lương cũng chỉ dùng cho điện thoại là hết, bây giờ dùng rất thoải mái và hệ thống rất chuẩn, rất tốt.

Luật Điện lực lần này sửa đổi có giải quyết được vấn đề như thế này không, Nhà nước thì độc quyền đến đâu và giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào”, đại biểu hỏi.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh cũng phân tích, trong dự thảo Luật cũng không nêu là độc quyền về truyền tải nhưng truyền tải đến cấp độ nào, Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị là chỉ cấp cao áp và siêu cao áp, còn cấp bên dưới thì nên để xã hội hóa. “Tất nhiên, không phải xã hội hóa tất tần tật là tư nhân”, đại biểu nói.

Nhà nước sẽ độc quyền trong việc điều độ và vận hành hệ thống điện

Phát biểu giải trình một số nội dung các đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, hướng bổ sung trong dự thảo Luật là làm sao phản ánh đầy đủ các chi phí, giảm tối đa việc bù chéo và giá điện là theo hướng thị trường.

“Tại dự thảo Luật, chúng tôi đã thiết kế các cấp độ thị trường khác nhau, thị trường bán buôn cạnh tranh, thị trường bán lẻ cạnh tranh, các cấp độ thị trường đã thiết kế đầy đủ. Các vấn đề về tiến độ các dự án hay các vấn đề chi tiết chúng tôi sẽ tiếp thu thêm nữa là giao trách nhiệm cho Chính phủ để quy định các vấn đề chi tiết để tiện và linh hoạt trong quá trình chỉ đạo của Chính phủ sau này đối với các dự án điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cũng cho rằng, Điều 5 dự thảo Luật đã quy định rất rõ chủ yếu Nhà nước sẽ độc quyền trong việc điều độ và vận hành hệ thống điện. Còn việc đầu tư, chỉ đầu tư độc quyền Nhà nước trong một số công trình điện quan trọng, đó là các nguồn điện mang tính chất đa mục tiêu và các nguồn điện mang tính chất đóng vai trò quan trọng của hệ thống trong việc đảm bảo tính vận hành, ổn định của hệ thống.

Với các lưới điện truyền tải cao áp, về nguyên tắc, chỉ độc quyền các lưới điện có cấp điện áp trên 220 kV trở lên và mang tính chất truyền tải, còn các đường dây mang tính chất liên kết sẽ xã hội hóa.

Trên thực tế nguồn điện hiện nay EVN cũng chỉ còn 38% trong hệ thống điện quốc gia và các lưới điện truyền tải pháp luật đã cho phép để xã hội hóa và cũng đang từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch đối với các đối tượng tham gia thị trường”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài lý giải.

Mai Chi