Giải Trí
Liên hoan năm nay quy tụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lân cận.
Họp báo giới thiệu Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024. |
Liên hoan do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày từ 1 - 9/11 tại rạp Công nhân, rạp Đại Nam và các nhà hát khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lễ khai mạc Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 1/11 tại Rạp Công nhân (42 phố Tràng Tiền, Hà Nội).
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao - Đỗ Đình Hồng cho biết, liên hoan là một hoạt động văn hoá nghệ thuật với quy mô toàn quốc chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô. Liên hoan nhằm nâng cao giá trị văn hóa nghệ thuật Thủ đô; giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Hà Nội ngàn năm văn hiến, của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Đây cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật để định hướng sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng cao phục vụ nhân dân Thủ đô nói riêng và khán giả cả nước nói chung thời gian tới.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương cho biết, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng đã bước vào mùa thứ 6, với tên gọi trước đây là Liên hoan sân khấu thủ đô. Liên hoan năm nay có sự mở rộng, quy tụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lân cận. |
Lần này, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng có 11 vở diễn dự thi từ 11 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 2 đơn vị khách mời là Nhà hát Chèo Bắc Giang với vở Sóng ven đô và Đoàn Chèo Hải Phòng với vở Hồ Xuân Hương. Còn lại 9 đơn vị nghệ thuật tại thủ đô dự thi các vở: Khoảng trống (Nhà hát Kịch Hà Nội), Cánh cửa khép hờ (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà hát Chèo Quân đội), Ông không phải là bố tôi (Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ), Hoàng đế cờ lau (Nhà hát Múa rối Thăng Long), Người hát ả đào (Nhà hát Chèo Hà Nội), Lý Thường Kiệt (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Lộ hàng (Sân khấu Lucteam), Hoàng thành Thăng Long (Nhà hát Múa rối Việt Nam). |
Cũng theo quy chế, mỗi đơn vị được tham dự Liên hoan với một tác phẩm sân khấu có thời lượng từ 90 phút đến không quá 150 phút. Riêng với nghệ thuật xiếc và múa rối, Ban tổ chức sẽ xem xét cụ thể thời lượng của từng tác phẩm tham dự. Các tác phẩm phải đáp ứng tiêu chí chưa từng tham dự các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
Cơ cấu giải thưởng gồm bằng chứng nhận kèm tiền thưởng cho các vở diễn, diễn viên đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và giải Xuất sắc (nếu có) cho các thành phần sáng tạo (tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa). 11 vở diễn dự thi bao gồm các vở: "Khoảng trống" (Nhà hát Kịch Hà Nội), "Cánh cửa khép hờ" (Nhà hát Cải lương Việt Nam), "Hồ Xuân Hương" (Đoàn Chèo Hải Phòng), "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" (Nhà hát Chèo Quân đội), "Ông không phải là bố tôi" (Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ), "Hoàng đế cờ lau" (Nhà hát Múa rối Thăng Long), "Sóng ven đô" (Nhà hát Chèo Bắc Giang), "Người hát ả đào" (Nhà hát Chèo Hà Nội), "Lý Thường Kiệt" (Nhà hát Cải lương Hà Nội), "Lộ hàng" (Sân khấu Lucteam), "Hoàng thành Thăng Long" (Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Các tác phẩm phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội, đất nước, con người Việt Nam. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm có nội dung gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội trong quá khứ và hiện tại; đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội, thể hiện rõ các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ…
Tác phẩm cũng cần thể hiện sự hấp dẫn, mang tính dự báo; có bố cục, kết cấu chặt chẽ với nhiều tìm tòi sáng tạo mới lạ, hiệu quả trong phương pháp nghệ thuật và hình thức thể hiện; giữ được những đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Sở và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ có kế hoạch chuyển vé mời vở diễn sớm cho các đơn vị nghệ thuật để đưa tới các khán giả yêu sân khấu của từng loại hình, đồng thời dành một lượng vé mời nhất định cho các học viên, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo sân khấu để các em có điều kiện học hỏi, tìm hiểu thực tế, nâng cao kỹ năng sáng tạo, biểu diễn.
Lịch diễn các vở tham dự Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024:
- Vở “Khoảng trống” (Nhà hát Kịch Hà Nội): Tối 1/11 tại Rạp Công nhân.
- Vở “Cánh cửa khép hờ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam): 10 giờ ngày 2/11 tại Rạp Đại Nam.
- Vở “Hồ Xuân Hương” (Đoàn Chèo Hải Phòng): 20 giờ tối 2/11 tại Rạp Đại Nam.
- Vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Nhà hát Chèo Quân đội): 20 giờ tối 3/11 tại Nhà hát Quân đội.
- Vở “Ông không phải là bố tôi” (Nhà hát Tuổi Trẻ): 20 giờ tối 4/11 tại Nhà hát Tuổi trẻ.
- Vở “Hoàng đế cờ lau” (Nhà hát Múa rối Thăng Long): 20 giờ tối 5/11 tại Sân khấu biểu diễn rối nước Hoàng thành Thăng Long.
- Vở “Sóng ven đô” (Nhà hát Chèo Bắc Giang): 9 giờ 30 phút sáng 6/11 tại Nhà hát Tuổi trẻ.
- Vở “Người hát ả đào” (Nhà hát Chèo Hà Nội): 20 giờ tối 6/11 tại Rạp Đại Nam.
- Vở “Lý Thường Kiệt” (Nhà hát Cải lương Hà Nội): 20 giờ tối 7/11 tại Rạp Đại Nam.
- Vở “Lộ hàng” (Sân khấu Lucteam): 14 giờ 30 phút ngày 8/11 tại Nhà hát Tuổi trẻ.
- Vở “Hoàng thành Thăng Long” (Nhà hát Múa rối Việt Nam): 20 giờ ngày 8/11 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam.
TRÚC LINH