Giải đáp pháp luật
Tôi hiện đang làm việc tại công ty M, đã đóng bảo hiểm xã hội được 3 năm. Vợ tôi thì ở nhà nội trợ, hiện tại, vợ tôi đang có thai 4 tháng. Tôi có thắc mắc, vợ không đóng bảo hiểm xã hội chồng có được hưởng chế độ thai sản không?
Trả lời:
- Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định
“1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm.
3. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia.
4. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình”.
- Điểm e Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: “Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: “….. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con”.
- Khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con”.
- Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi như sau:
“Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.
- Điểm a Khoản 2 Điều 9 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người chồng được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: “Chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội (mẹ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện hưởng); Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản như: nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con.
Như Quỳnh