DÂN SỰ

Di chúc có được sửa đổi không?
Ngày đăng 13/01/2025 | 12:59  | Lượt xem: 78

Ông Mạnh có 3 người con là anh Hồng, anh Tiến và chị Xiêm, vợ ông Mạnh đã mất từ lâu. Năm 2020, ông Mạnh có lập 01 bản di chúc để lại toàn bộ tài sản cho 3 người con của ông. Tuy nhiên, cuối năm 2023, ông Mạnh có quen biết với bà Thắm,

ông đã đưa bà Thắm về chung sống và để chăm sóc ông lúc tuổi già. Thấy bà Thắm chăm sóc ông rất chu đáo, ông muốn để lại một phần tài sản của mình cho bà Thắm. Ông đang băn khoăn và muốn biết là ông có thể sửa đổi bản di chúc đã lập vào năm 2021 không? 

          Trả lời:

- Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền thừa kế: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

 - Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

- Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2015  quy định hình thức của di chúc như sau: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

- Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. 

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. 

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”. 

Theo quy định của pháp luật thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Việc lập di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ. Như vậy, ông Mạnh có thể sửa đổi bản di chúc đã lập vào năm 2020.

Như Quỳnh