BẠN CẦN BIẾT
Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh
Theo khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 quy định biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh như sau:
Điều 33. Biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
...
2. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đây:
a) Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
b) Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;
d) Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt;
đ) Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động;
e) Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê (karaoke) không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;
g) Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền.
3. Người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn. Quyền ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước của người cung cấp dịch vụ điện, nước trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này phải được thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.
Tại Điều 2 Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 quy đinh việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dich vụ, điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định đối tượng áp dụng như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước liên quan đến việc thi công, quản lý, sử dụng công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
2. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
3. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Điều 3 Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như sau:
Điều 3. Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 Nghị quyết này được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các trường hợp sau đây:
1. Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
2. Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi một trong các nội dung chính được ghi trong giấy phép xây dựng hoặc thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt: vị trí xây dựng; cốt nền xây dựng; mật độ xây dựng; diện tích xây dựng tầng 1; chiều cao công trình; chiều sâu công trình; số tầng công trình (bao gồm toàn bộ các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng mái, tum thang); chiều cao các tầng công trình; tổng diện tích sàn xây dựng tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi; tổng diện tích sàn xây dựng công trình (bao gồm tổng diện tích sàn của tất cả các tầng công trình); màu sắc công trình;
b) Vi phạm chỉ giới xây dựng hoặc chỉ giới đường đỏ;
c) Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
d) Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường;
đ) Khi điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn chịu lực chính của công trình.
3. Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
4. Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
5. Công trình xây dựng thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
6. Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
7. Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê (karaoke) không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
8. Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.
Tại Điều 4 Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như sau:
Điều 4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền áp dụng đối với:
a) Trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Nghị quyết này;
b) Trường hợp quy định tại khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Nghị quyết này do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền áp dụng đối với:
a) Trường hợp quy định tại khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Nghị quyết này do cơ quan Công an quản lý theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
b) Trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết này;
c) Trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị quyết này thuộc địa giới hành chính từ hai xã, phường, thị trấn trực thuộc trở lên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hành vi vi phạm được phát hiện đầu tiên có trách nhiệm đề xuất việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 3 Nghị quyết này thuộc địa giới hành chính từ hai quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội trở lên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hành vi vi phạm được phát hiện đầu tiên có trách nhiệm đề xuất việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
4. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là người có thẩm quyền chấm dứt việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Mai Hoa
thông báo
- Tăng cường tuyên truyền pháp luật về một số mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ ngày 01/01/2025
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành
- Truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm