TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Hoàng thành Thăng Long
Ngày đăng 22/01/2025 | 21:23  | Lượt xem: 32

Sáng 22/1, nhân dịp lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), tại Hoàng thành Thăng Long – Khu Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã tổ chức chương trình giới thiệu và tái hiện nghi lễ truyền thống “Tống cựu nghinh tân”. Đây là một phần của chuỗi sự kiện văn hóa nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị di sản gắn liền với phong tục Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam.

Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Hoàng thành Thăng Long- Ảnh 5.

Tái hiện lễ tiến lịch hoàng cung

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, nhấn mạnh rằngcho biết, các nghi lễ được tái hiện không chỉ giúp lưu giữ phong tục tốt đẹp mà còn khơi nguồn cảm hứng về văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm nay, ngoài các hoạt động quen thuộc như dựng cây nêu và thả cá chép, sự kiện còn tái hiện các nghi thức như lễ tiến lịch và lễ đổi gác theo hình thức sân khấu hóa, tạo nên không gian sống động và gần gũi.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tết Nguyên đán là lễ tiết quan trọng nhất của người Việt, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Các nghi lễ như cúng ông Công ông Táo, dựng cây nêu, lễ tiến lịch hay lễ tiến xuân ngưu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, mùa màng. Cây nêu, biểu tượng của mùa xuân, là một trong những nghi thức đặc trưng, không thể thiếu. Khi cây nêu được dựng lên trong hoàng cung, dân chúng cũng đồng loạt dựng cây trước sân nhà, tạo nên bầu không khí rộn ràng chào đón Tết.

Ngoài ra, lễ tiến lịch và ban lịch, thể hiện sự coi trọng của triều đình phong kiến đối với việc quản lý thời gian và dự báo thiên nhiên, đã được tái hiện một cách sinh động. Nghi lễ này không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn đảm bảo đời sống ổn định cho nhân dân. Trong khi đó, lễ tiến xuân ngưu, diễn ra vào ngày Lập xuân, mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, khởi đầu một năm mới đủ đầy và sung túc.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bày tỏ sự ngưỡng mộ với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ông khẳng định rằng nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" là một minh chứng rõ nét cho sự phong phú và độc đáo của di sản văn hóa Việt Nam. Ông cho rằng lễ hội này không chỉ mang lại không khí Tết truyền thống mà còn giúp tăng cường sự gắn kết giữa các thế hệ và nhắc nhở về giá trị của phong tục xưa.

Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động khác như trưng bày không gian "Tết xưa - Tết thời bao cấp", tái hiện không khí đón Tết của người Việt trong thập kỷ 70 và 80. Các buổi múa rối đặc sắc cũng được tổ chức để phục vụ du khách, tạo nên một bức tranh đa dạng về văn hóa Tết truyền thống.

Việc tái hiện các nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" không chỉ giúp du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về giá trị của ngày Tết cổ truyền mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đây là lời nhắc nhở ý nghĩa về việc trân trọng quá khứ và cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng.

 

Hà Nguyên