TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Hà Nội truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới
Ngày đăng 27/07/2024 | 06:55  | Lượt xem: 70

Tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 25 năm hội nhập và phát triển” diễn ra ngày 26/7, sụ kiện nhằm kỷ niệm dấu mốc Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cách đây 25 năm (ngày 16/7/1999).

Hà Nội truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới theo đuổi con đường hòa bình và phát triển
Tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 25 năm hội nhập và phát triển”. (Ảnh: Đinh Hòa)

25 năm trước (ngày 16/7/1999), Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á-Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Cùng với danh hiệu đó, Hà Nội có danh hiệu “Thành phố Anh hùng”. Ðó là niềm vinh dự và tự hào không những với người dân Thủ đô, mà còn với nhân dân cả nước. Hà Nội qua “một thời đạn bom” đã bước sang “một thời hòa bình” và ngày càng phát triển.

Sự kiện lần này là diễn đàn tập hợp những người yêu chuộng hòa bình, yêu Thủ đô Hà Nội, cùng đóng góp tâm huyết và trí tuệ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như những thành tựu mà Hà Nội đạt được trên đường hội nhập quốc tế toàn diện. Những thành tựu đó đã tạo ra cho Thủ đô ngày nay một diện mạo mới đàng hoàng và khang trang hơn.

Tại Tọa đàm, thông qua các tham luận cùng các ý kiến, trao đổi đóng góp từ các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các vị Đại sứ, đại diện cho bạn bè quốc tế và các tầng lớp Nhân dân, sự kiện đã đưa ra tiếng nói của những người yêu Hà Nội.

Tọa đàm diễn ra vào ngày đặc biệt trọng đại, cả đất nước thành kính tổ chức Quốc tang đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà ngoại giao xuất sắc, đã nâng tầng ngoại giao Việt Nam nên tầm cao mới cả về thực tiễn và lý luận.

Tham luận tại tọa đàm, bà Jane Runkat, Đại biện lâm thời Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam đánh giá cao sự chuyển mình của Hà Nội, từ những vết thương trong chiến tranh trở thành thành phố vì hòa bình và phát triển. Hà Nội đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để giải quyết các thách thức về môi trường như không gian xanh đô thị và cải thiện giao thông công cộng. Những nỗ lực này góp phần tạo nên lối sống lành mạnh và phù hợp với các mục tiêu xây dựng hòa bình toàn cầu bằng cách nâng cao nhận thức về môi trường.

“Việc công nhận Hà Nội là Thành phố vì hòa bình của UNESCO có thể truyền cảm hứng cho các thành phố khác theo đuổi con đường hòa bình và phát triển tương tự. Đây là một minh chứng cho việc biến những thách thức trong quá khứ, hiện tại và tương lai thành những cơ hội mang tính xây dựng để tăng trưởng, có khả năng phục hồi, hợp tác và phát triển toàn diện”, bà Jane Runkat nói.

Theo bà Jane Runkat, di sản lịch sử phong phú của Hà Nội đã góp phần củng cố vị thế Thủ đô trở thành một thành phố vì hòa bình. Mặt khác, Hà Nội đã biến những khó khăn trong lịch sử trở thành khả năng cạnh tranh của ngày hôm nay, trở thành một trung tâm giáo dục, khoa học, công nghệ và văn hóa trong khu vực. Những nỗ lực về phát triển bền vững của Hà Nội cũng minh chứng Thủ đô rất xứng đáng với danh hiệu, với nhiều sáng kiến giải quyết các thách thức vì môi trường.

Còn theo ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao nhận định, việc sở hữu danh hiệu của UNESCO không chỉ là sự công nhận về giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên của một địa phương hay quốc gia, mà còn là cấu phần quan trọng hình thành nên thương hiệu mỗi quốc gia, địa phương, có sự đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

Bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch HAUFO cho biết, đến nay, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Điều đó thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống văn hóa hòa hiếu, cũng như khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đây vừa là vinh dự, vừa là thách thức lớn lao để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nền hoà bình trường tồn trên trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập.

Tọa đàm đã nhận được 12 tham luận cùng nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu trong nước và quốc tế về các chủ đề như: phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội; hành trình đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh, khỏe mạnh, đáng sống; xây dựng Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô trong hội nhập quốc tế và tham gia xây dựng Thủ đô…

Các đại biểu khẳng định rằng đã đến lúc Hà Nội cần có chương trình hành động phát huy giá trị danh hiệu Thành phố vì hòa bình, nhằm tập trung sự chỉ đạo lãnh đạo đồng thời góp phần đổi mới nội dung và phương thức đối ngoại nhân dân Thủ đô thúc đẩy việc xây dựng được hình ảnh Thành phố hòa bình, Thành phố sáng tạo, Thành phố văn hóa, văn hiến, điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn có trọng tâm, trọng điểm và tính kết nối hệ thống hơn.

Tổng kết lại ý nghĩa của buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Haufo đánh giá cao giá trị của những ý kiến, đề xuất được đưa ra. Ông Nguyễn Ngọc Kỳ nhấn mạnh 25 năm qua, Hà Nội luôn phát huy vai trò danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, kinh tế xã hội phát triển, giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật được quan tâm. Nhiều dự án trọng điểm được triển khai. Nhiều trường học được nâng cấp, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Công tác nhận diện, bảo tồn di sản, phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên đã tạo sực hút, động lực cho phát triển du lịch.

TRÚC LINH