TIN MỚI

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Ngày đăng 02/04/2024 | 13:59

Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm Trưởng phòng công chứng (PCC) thay vì giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm như hiện nay, quy định Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng (VPCC) thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền

Ngày 1/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật để cho ý kiến đối với 5 dự án luật sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và 1 nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hai nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các dự án luật dự kiến trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới để xem xét lần đầu (dự kiến có 10 dự án luật).

Căn cứ vào kết quả và tiến độ chuẩn bị, tính đến nay mới 5 dự án luật có đủ hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này, gồm: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về hồ sơ của dự án Luật Phòng không nhân dân.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc ban hành dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là rất cần thiết. Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới như số lượng công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đều tăng đáng kể; chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao; quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.

Hoạt động công chứng đã bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp. Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề;

Đồng thời, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển; một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp...

So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã xác định công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp CCV chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Đồng thời, bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với CCV, TCHNCC, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển các TCHNCC ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã quy định người muốn bổ nhiệm CCV phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo); quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn; độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi; giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm CCV từ 05 năm xuống còn 03 năm.

Dự thảo Luật cũng quy định Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm Trưởng phòng công chứng (PCC) thay vì giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm như hiện nay, quy định Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng (VPCC) thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền.

Đồng thời, quy định không bắt buộc tên gọi của VPCC phải được đặt theo họ tên của một trong số các CCV hợp danh như hiện nay nhằm giúp các VPCC giữ được tên gọi ổn định, tiết kiệm chi phí phát sinh do không phải thường xuyên thay đổi tên gọi… Quy định rõ nghĩa vụ góp vốn của các CCV hợp danh khi tham gia thành lập mới VPCC cũng như khi hợp danh vào VPCC có sẵn để bảo đảm CCV hợp danh phải thực sự là người góp vốn vào VPCC, là người sở hữu VPCC

Mai Chi