TIN MỚI
Việc tổ chức Hội nghị NLĐ, UBND và LĐLĐ Thành phố hướng dẫn, đối với doanh nghiệp Nhà nước, ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp phối hợp tổ chức theo Điều 69 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022
Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), người lao động (NLĐ) góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc của người lao động, phòng ngừa tranh chấp lao động xảy ra. Qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trực tiếp góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.
Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội ban hành Hướng dẫn liên tịch số 01/HD-UBND- LĐLĐ về việc tổ chức Hội nghị CB,CC,VC và Hội nghị NLĐ năm 2025.
Theo đó, đối với việc tổ chức Hội nghị CB,CC,VC; UBND Thành phố và LĐLĐ thành phố Hà Nội nêu rõ, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan xã, phường, thị trấn, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị) chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức Hội nghị CB,CC,VC,NLĐ của cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức Hội nghị phải đảm bảo dân chủ, thiết thực, đúng trình tự, nội dung, hình thức, thành phần quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Thời gian tổ chức phấn đấu hoàn thành trong tháng 1/2025; riêng các đơn vị sự nghiệp là cơ sở giáo dục đào tạo thì tổ chức hội nghị khi kết thúc năm học 2024 - 2025, hoàn thành trước ngày 15/10/2025.
Về hình thức tổ chức, UBND và LĐLĐ Thành phố hướng dẫn, Hội nghị được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác. Căn cứ tình hình thực tế, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn về thành phần dự Hội nghị bao gồm toàn thể hoặc đại biểu theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nội dung Hội nghị được thực hiện theo khoản 3 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm: Kiểm điểm việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị năm trước và những quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch công tác năm; tổng kết công tác thi đua và khen thưởng, bàn thống nhất nội dung thi đua, giao ước thi đua năm tiếp theo; thảo luận và quyết định các nội dung theo Điều 49 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; thực hiện nội dung công khai và lấy ý kiến của CBCC,VC,NLĐ theo quy định; thực hiện nội dung khác theo quyết định của Hội nghị.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị gắn với việc thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”; Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 3/6/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Chương trình Hội nghị thực hiện theo quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đối với việc tổ chức Hội nghị NLĐ, UBND và LĐLĐ Thành phố hướng dẫn, đối với doanh nghiệp Nhà nước, ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp phối hợp tổ chức theo Điều 69 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phối hợp với Công đoàn cơ sở (CĐCS) xây dựng ban hành quy chế và tổ chức Hội nghị người lao động (Doanh nghiệp có dưới 10 người lao động thì không bắt buộc phải tổ chức Hội nghị) theo Chương I Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ; Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Hướng dẫn Công đoàn thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thời gian tổ chức mỗi năm 01 lần sau khi kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm tiếp theo do người đại dỉện có thẩm quyền quyết định sau khi lấy ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn để phát huy quyền dân chủ của NLĐ trong việc đánh giá kết quả hoạt động của năm trước và đề xuất giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm công tác mới. Căn cứ điều kiện thực tế, NSDLĐ thống nhất với CĐCS về thành phần dự Hội nghị theo hình thức Hội nghị toàn thể hoặc Hội nghị đại biểu.
Nội dung Hội nghị NLĐ theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Lao động, trong đó tập trung thảo luận các nội dung về: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Việc thực hiện hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; Điều kiện làm việc; Yêu cầu của NLĐ và Công đoàn cơ sở đối với NSDLĐ; Các nội dung khác mà hai bên quan tâm…
Sau Hội nghị, NSDLĐ phối hợp với CĐCS phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. Định kỳ 6 tháng một lần, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị; kết quả thực hiện kiến nghị của NLĐ.
Cùng với đó, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa các văn bản pháp luật liên quan đến quy chế dân chủ thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động với kỳ vọng chất lượng các ý kiến tham gia được nâng cao, tập trung vào các vấn đề cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phục vụ Nhân dân; hoàn thiện nội quy, quy chế nội bộ; các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và chăm lo cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tính chủ động, sáng tạo, hăng hái công tác hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Ngọc Ánh