TIN MỚI
Triển khai các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan, chiếu sáng, mỹ thuật về thành tựu của Thủ đô, đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan trong tổ chức lễ hội truyền thống.
UBND Thành phố đã có Kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025.
Theo đó, việc tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân có công với dân, với nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất và con người địa phương, đặc biệt tiếp tục là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sâu sắc hơn về di tích lịch sử văn hóa, các nhân vật được thờ phụng tại di tích đến với Nhân dân và du khách. Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân trong thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch năm 2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030. Lễ hội cũng là ngày hội văn hóa truyền thống, là cầu nối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý và tổ chức lễ hội giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố vùng Thủ đô, vùng châu thổ sông Hồng, làm sâu sắc hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Tại Kế hoạch, UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Song song với đó, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội: Tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích và lễ hội truyền thống, quảng bá giới thiệu về văn hóa, con người, về tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, việc giữ gìn và thực hiện vệ sinh môi trường tại lễ hội “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội.
Thành phố cũng chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan, chiếu sáng, mỹ thuật về thành tựu của Thủ đô, đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan trong tổ chức lễ hội truyền thống. Kịp thời thông tin công khai các địa phương tổ chức tốt và chưa tốt, để xảy ra các vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025 trên ứng dụng iHanoi; Công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội trên các hệ thống thông tin: Cấp Thành phố: Số điện thoại đường dây nóng: 0965404557; UBND các quận, huyện, thị xã công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị mình gửi về Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, theo dõi.
UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý về công tác tổ chức lễ hội truyền thống. Xây dựng kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội. Đảm bảo cho nhân dân được tham gia Lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước, thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân công thực thi nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan nghiêm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an toàn; thực hiện phòng chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, lãng phí, hình thức.
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước nhất là việc đảm bảo vệ sinh môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” đối với công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương. Đảm bảo các lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Không để xảy ra các hình ảnh phản cảm trong lễ hội, đặc biệt là việc phát lộc, tranh cướp lộc, trang phục không phù hợp tại các lễ hội.
Thời gian tới, Thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín, cờ bạc, dị đoan; vi phạm về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ trong hoạt động tổ chức lễ hội.
Thành phố Hà Nội xác định việc tổ chức lễ hội là một sự kiện văn hóa của Thủ đô và của từng đại phương, do đó việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của địa phương, của dân tộc.
Mặt khác, Lễ hội phải được tổ chức trang nghiêm, trọng thể về phần Lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ trong quá trình tổ chức Lễ hội, xây dựng môi trường cảnh quan của di tích “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. 100% các di tích và các lễ hội được tổ chức trong năm 2025 đảm bảo tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn - Tiết kiệm”./.
Trần Hạnh
thông báo
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành
- Truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác tư pháp trên địa bàn Thành phố năm 2025
trao đổi kinh nghiệm
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC khi cúng lễ, thắp hương, đốt vàng mã trong dịp Tết Nguyên đán 2025
- Cảnh báo lừa đảo khi đặt phòng khách sạn dịp nghỉ Tết Nguyên đán
- 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THP
- Cảnh báo sự cố cháy nổ từ các thiết bị điện gia dụng trong thời điểm cận Tết Nguyên đán 2025