TIN MỚI

Hà Nội sẽ đáp ứng tối đa nguyện vọng hợp lý, hợp tình để hỗ trợ nông dân
Ngày đăng 29/11/2024 | 22:42

Sáng 29/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững”.

'Nông dân Hà Nội phải nghĩ lớn, mơ lớn'- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc đối thoại trực tuyến. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể TP; Hội Nông dân các cấp; đại biểu là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, hợp tác xã, DN trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 2.000 hội viên nông dân TP. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường UBND TP Hà Nội và kết nối trực tuyến 18 điểm cầu tại các huyện, thị xã.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, hàng năm, lãnh đạo TP đã tổ chức đối thoại với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, trong đó có nông dân Thủ đô. Thông qua các hội nghị đối thoại, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được TP chỉ đạo sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.

Hội nghị đối thoại của Lãnh đạo UBND TP với Nông dân Thủ đô được tổ chức càng ý nghĩa hơn khi Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 46 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030. TP Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân. TP luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước và TP. Trong đó, người nông dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể, vừa là động lực vừa là mục tiêu của quá trình phát triển.

Trong những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể trong tham gia phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn có những thay đổi vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng cao; an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được đảm bảo. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương những kết quả của cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô đã đạt được. Đặc biệt, sự vượt khó, vươn lên, nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp để ổn định cuộc sống của hội viên nông dân Thủ đô sau đợt thiên tai cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa tương xứng và chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân còn hạn chế; hoạt động của Hội Nông dân các cấp chưa phát huy hết được tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân; các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và TP còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguyện vọng của nông dân...

Báo cáo tổng hợp kiến nghị của nông dân Thủ đô, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, có 68 ý kiến, qua tổng hợp có 36 kiến nghị theo 3 nhóm vấn đề.

Tại hội nghị, có 12 đại biểu là nông dân, chủ trang trại, cán bộ Hội Nông dân cơ sở nêu câu hỏi với lãnh đạo thành phố. Dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo các sở, ngành trao đổi, giải đáp từng kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Hồng, hội viên nông dân xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai), đặt câu hỏi về cơ chế thúc đẩy liên kết giữa Nhà nước, nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà phân phối. Bà nhấn mạnh nhu cầu tạo điều kiện để nông dân sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh khẳng định: Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối sản phẩm nông nghiệp với các kênh phân phối, tổ chức giao thương, xúc tiến tiêu thụ nông sản. Đồng thời, các doanh nghiệp và hợp tác xã được khuyến khích gặp gỡ trực tiếp bộ phận thu mua của các chuỗi phân phối để tìm hiểu quy trình và điều kiện tiêu chuẩn nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà, bà Bùi Thị Thanh Hà, nêu thắc mắc về việc Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện thế nào cho hợp tác xã phát triển hạ tầng phụ trợ như nhà sơ chế, kho lạnh, nhà màng.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, Sở NN&PTNT đã xây dựng dự thảo quy định liên quan đến công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dự thảo này đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý và dự kiến sẽ trình UBND TP thông qua vào quý I/2025.

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số. Bà đề cập đến nhu cầu xây dựng các ứng dụng, phần mềm quản lý vốn và hội viên, cũng như đào tạo kỹ năng chuyển đổi số.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh sự cần thiết của một đề án tổng thể do Hội Nông dân chủ trì, đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp cụ thể. Ông cũng khuyến khích các bên liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương, đánh giá cao hệ thống truy xuất nguồn gốc Check.hanoi.gov.vn do Sở NN&PTNT vận hành. Bà đề xuất bổ sung tính năng Livestream để ghi nhật ký sản xuất và bán hàng trực tuyến, nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hệ thống đã cấp hơn 14.000 bộ mã truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản. Ông khẳng định, việc nâng cấp và mở rộng hệ thống sẽ được xem xét trong lộ trình phát triển nông nghiệp bền vững của thành phố.

Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), ông Vũ Văn Đình, đề nghị mở rộng các trung tâm thiết kế sáng tạo gắn với quảng bá sản phẩm làng nghề và du lịch. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các cửa hàng kết nối tiêu thụ tại chợ truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh thông tin, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển các trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề. Tính đến cuối năm 2023, 10 trung tâm đã được công nhận và thêm 6 điểm đang được khảo sát để phát triển trong năm 2024.

Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giai cấp nông dân cần thích ứng với thời đại, không nằm ngoài xu thế này. Theo ông, cần xây dựng một giai cấp nông dân Hà Nội mang bản sắc riêng, thể hiện tầm vóc Thủ đô. Trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải xây dựng nông dân Thủ đô khác biệt về tư duy và nhận thức. 

"Xưa chúng ta vẫn có suy nghĩ là nông dân nghĩ nhỏ, làm việc nhỏ nay nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn. Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô mà còn hướng tới thị trường toàn cầu", Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, định hướng của thành phố đến năm 2030 nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch, từ đất, nước đến không khí và làm sạch môi trường, đặc biệt là các con sông. Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương liệu nông sản và làng nghề Hà Nội. Nông dân phải biết "thổi hồn" vào sản phẩm, phải có câu chuyện cho sản phẩm nông sản và làng nghề. Các sản phẩm phải có chứng nhận và phải xây dựng được thương hiệu "made in Ha Noi". Nông dân cần thực hiện sản xuất sạch, không còn tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng," mà phải "rau một luống, lợn một chuồng," đồng thời giảm thiểu phát thải môi trường, từ đó xây dựng thương hiệu nông nghiệp và làng nghề đặc trưng của Hà Nội. "Nông dân Hà Nội có làm được không? Dứt khoát việc đó phải làm được", Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ tin tưởng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn. Trong đó, phải làm tốt công tác quy hoạch và sẽ hỗ trợ nông dân trong vùng quy hoạch không để cung vượt cầu. Các cấp Hội nông dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để hỗ trợ nông dân. 

"Những việc này rất khó, với nhiều thách thức phải vượt qua. Tuy nhiên, không vì khó mà đùn đẩy trách nhiệm, thay vào đó cần có hành động cụ thể", Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2030, hội viên nông dân được hưởng đầy đủ bảo hiểm y tế và người nông dân có quyền nghỉ hưu như các tầng lớp khác, thay vì phải lao động đến cuối đời như trước đây. Chủ tịch UBND Thành phố hứa sẽ đáp ứng tối đa nguyện vọng hợp lý, hợp tình để hỗ trợ nông dân; tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân và các cấp hội vươn lên. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả như "bà đỡ," nhưng sự chủ động và trách nhiệm nằm ở chính người nông dân. Do đó, mỗi nông dân, mỗi làng nghề cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới. Mỗi nông dân cần suy nghĩ mình là nông dân Thủ đô, phải tạo ra sự khác biệt từ cách nghĩ đến cách làm và những kết quả cụ thể.

 

Bảo Bình