TIN MỚI

Dịch sởi tiếp tục gia tăng, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ
Ngày đăng 30/12/2024 | 20:11

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội (CDC), dịch sởi tại Hà Nội đang tiếp tục gia tăng với 76 ca mắc mới trong tuần qua, tăng 26 ca so với tuần trước.

Gia tăng ca mắc sởi, ho gà, Bộ Y tế yêu cầu chủ động phòng, chống dịch

Ảnh minh hoạ

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 335 trường hợp mắc sởi tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Con số này tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Theo CDC Hà Nội, bệnh nhân mắc sởi được phân bố theo nhóm tuổi, trong đó trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, có 98 trường hợp dưới 9 tháng tuổi (29,3%), 57 trường hợp từ 9 đến 11 tháng tuổi (17%), 115 trường hợp trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi (33,7%). Đáng chú ý, có 39 trường hợp ở độ tuổi trên 10, tương đương 11,6%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng các ca mắc là do nhiều người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ hoặc chưa tiêm chủng. CDC Hà Nội dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc có thể tiếp tục tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Việc phòng chống dịch sởi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đang gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp mắc bệnh sởi là do chưa được tiêm vaccine hoặc không tiêm đầy đủ số mũi theo khuyến cáo.

Theo thống kê từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận 38.364 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 94 lần so với năm 2023. Trong số đó, có 6.725 ca được xác nhận dương tính với virus sởi, tăng hơn 130 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại, đã có 13 trường hợp tử vong do sởi, chủ yếu là trẻ em và người già có bệnh nền.

Bên cạnh đó, dịch bệnh tại một số tỉnh như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, và Cà Mau cũng diễn biến phức tạp với số ca mắc cao. Riêng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã tiêm vaccine sởi cho hơn 50.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi, nhưng tình trạng mắc bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, CDC Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong tuần qua. Các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch được tổ chức tại các khu vực có ca bệnh. Các quận như Hai Bà Trưng, Đông Anh, Thanh Xuân, và Hoàn Kiếm đã được tập trung theo dõi và khoanh vùng triệt để.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát sốt phát ban nghi sởi tại cơ sở y tế và cộng đồng. Tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm để xác định chính xác, từ đó triển khai các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Ngoài ra, ngành y tế cũng tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ em từ 1 đến 5 tuổi trên toàn thành phố. Các trường hợp chưa tiêm vaccine hoặc chưa đủ mũi sẽ được tiêm bổ sung kịp thời.

Để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, CDC Hà Nội nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông và giáo dục cộng đồng về ý nghĩa của tiêm chủng. Người dân cần được cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là việc tiêm vaccine đúng lịch.

TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết việc kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi sự tham gia đồng bộ từ cả hệ thống y tế và cộng đồng. Các bệnh viện cần phân luồng bệnh nhân, cách ly các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, đồng thời tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế lây nhiễm chéo.

Theo TS Nguyễn Lương Tâm, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng trong thời gian qua, dẫn đến lỗ hổng trong việc phòng bệnh. Tình trạng một bộ phận người dân còn lơ là, thậm chí “anti” vaccine, cũng là yếu tố khiến dịch bệnh bùng phát.

Ngành y tế kêu gọi người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ theo lịch trình. Việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong bối cảnh dịch sởi và nhiều bệnh truyền nhiễm khác diễn biến phức tạp, nâng cao ý thức phòng bệnh và thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh nguy cơ bùng phát các dịch bệnh lớn.

 

Bảo Bình