TIN MỚI

Đối thoại điểm bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ
Ngày đăng 19/09/2024 | 08:23

Đối thoại bảo vệ quyền lợi cho người lao động là hoạt động rất thiết thực nhằm thể hiện vai trò của Công đoàn trong công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là lao động nữ nhằm xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa chủ sử dụng lao động và người lao động bởi chỉ qua thông qua đối thoại thì các bên mới hiểu rõ được nhau, chia sẻ cùng nhau và tạo nên sự kết nối bền chặt hơn, cùng nhau xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 16/9, tại Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC)– nơi có hơn 200 lao động trong đó có 139 lao động nữ (chiếm hơn 70%) đã diễn ra hoạt động điểm “Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”. Dự buổi đối thoại có đồng chí Trần Thu Phương - Phó trưởng ban Nữ Công Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Chủ trì buổi đối thoại có ông Hà Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế và bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế, đại diện người lao động.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Hà Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế cho biết, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Công ty là quan tâm và tuân thủ việc thực hiện đúng pháp luật lao động. Nhiều quyền lợi cho người lao động đã được Công ty đáp ứng cao hơn quy định của luật, những nội dung đó được cụ thể hoá trong Thoả ước lao động tập thể và chính sách Công đoàn.

“Buổi đối thoại ngày hôm nay là dịp để Công ty đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống và gắn bó với Công ty, đồng hành cùng Công ty vượt qua mọi khó khăn và giúp Công ty phát triển bền vững”, ông Hà Hồng Phúc nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại, qua quá trình lấy ý kiến từ người lao động, Công đoàn Công ty đã tổng hợp và đề xuất 5 nội dung có lợi cho người lao động dựa trên những căn cứ, lập luận rất thuyết phục như:

Một là, đã tham khảo tại một số đơn vị trong Khu công nghiệp Quang Minh và đưa ra những con số minh chứng nhiều đơn vị đang thực hiện.

Hai là, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, việc phát triển kỹ năng mềm, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho chị em phụ nữ là vô cùng cần thiết. Qua đó, giúp chị em phụ nữ tự tin vào bản thân và chăm sóc tốt hơn cho bản thân, gia đình, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp và xã hội.

Ba là, từ việc thăm hỏi, chăm lo cho lao động nữ ở nhà máy, có những trường hợp lao động nữ phải điều trị bệnh dài ngày, khó khăn về chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi con nhỏ. Người lao động lúc này rất cần những khoản hỗ trợ về tài chính, nếu Công ty có chính sách đóng Bảo hiểm xã hội/Bảo hiểm y tế cho người lao động trong giai đoạn nghỉ này sẽ là sự động viên vô cùng to lớn và chắc chắn sẽ tạo được niềm tin, sự biết ơn và mong muốn gắn bó từ phía người lao động.

Bảo hiểm y tế đã một phần đảm bảo được việc chi trả viện phí cho người lao động. Tuy nhiên, mức chi trả chưa cao và danh mục chi trả còn hạn chế, trong khi đó, các hình thức bảo hiểm khác đặc biệt là Bảo Việt có những ưu điểm nổi trội về chế độ cũng như mức chi trả. Người lao động mong muốn Công ty có chính sách mua Bảo hiểm Bảo Việt để tăng chất lượng khám, điều trị, nằm viện đồng chi trả với Bảo hiểm y tế để chi phí người lao động bỏ ra là thấp nhất, thậm chí được hỗ trợ hoàn toàn.

Bốn là, Công ty đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, trong đó có các chỉ tiêu chuyên khoa phụ sản cho nữ. Tuy nhiên, với sự tác động của môi trường tự nhiên và xã hội, các chị em ngày càng phải đối mặt với các nguy cơ về các bệnh ung thư tuyến giáp và sức khỏe tinh thần. Công ty có tới 70% là lao động nữ, đây cũng là nguồn lực cốt lõi của doanh nghiệp. Vì thế, người lao động mong muốn Công ty bổ sung một số các chỉ tiêu phù hợp như: Siêu ấm tuyến giáp, tầm soát ung thư, khám và tư vấn sức khỏe tâm lý cho lao đông nữ để các chị em yên tâm về sức khỏe.

Với tinh thần nghiêm túc, cởi mở, dân chủ, đại diện người lao động và người sử dụng lao động Công ty IMC đã cùng thảo luận, trao đổi, đối thoại để cân nhắc, xem xét chi tiết từng nội dung đề xuất cũng như bàn bạc cách thức triển khai sao cho hiệu quả nhất; đồng thời, nghiên cứu, trao đổi và căn bản thống nhất với 5 đề xuất mà Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đưa ra tại hội nghị đối thoại.

Theo đó, Ban lãnh đạo công ty IMC nhất trí mức hỗ trợ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Mức hỗ trợ là 100.000 đồng/tháng/cháu, áp dụng từ năm 2025.

Tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, kỹ năng mềm… cho lao động nữ 1 năm/lần.

Có chính sách bố trí công việc hợp lý để hỗ trợ đóng BHYT/BHXH 6 tháng cho lao động nữ có bệnh hiểm nghèo hoặc điều trị dài ngày phải nghỉ ở nhà.

Mua bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt cho lao động nữ có thời gian gắn bó với Công ty trên 5 năm tùy theo vị trí công việc để được tăng quyền lợi khám chữa bệnh. (Gói mua bảo hiểm theo chương trình của Bảo Việt).

Ngoài tổ chức khám chuyên khoa phụ sản định kỳ cho lao động nữ 1 năm/1 lần, sẽ khám một số chỉ tiêu chuyên sâu cho nữ như: siêu âm tuyến giáp, tầm soát ung thư, khám và tư vấn sức khỏe tâm lý sau sinh hoặc nuôi con nhỏ như đánh giá mức độ stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ và các rối loạn tâm lý khác… theo kế hoạch hàng năm của Công ty và Ban chấp hành Công đoàn.

Nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện sẽ trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2025.

Thông tin về việc tổ chức đối thoại điểm, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết Hà Nội là 1 trong 4 đơn vị được Tổng LĐLĐ Việt Nam chọn để phối hợp triển khai hoạt động điểm “Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”. LĐLĐ thành phố Hà Nội và LĐLĐ quận Đống Đa thống nhất lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế để tổ chức hoạt động điểm.

Ngọc Ánh