TIN MỚI

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Ngày đăng 21/01/2025 | 11:35

Hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, minh bạch, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; tăng cường cơ chế phản ứng chính sách; bảo đảm chi phí tuân thủ thấp, để pháp luật đến được với người dân và doanh nghiệp một cách thực chất

Đây là ý kiến chỉ đạo đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo trong năm 2025 và thời gian tới, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: 

Một là: Tham mưu cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng để trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. 

Hai là: Đổi mới tư duy quản lý, tư duy chính sách, tiếp tục phát huy vai trò tham mưu  giúp Chính phủ trong công tác xây dựng thể chế nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ và  thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng và thực tiễn yêu  cầu quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới;.  

Ba là: Tập trung tối đa nguồn lực, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; hoàn thiện quy trình  xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, minh bạch, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao  “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; tăng cường cơ chế phản ứng chính  sách; bảo đảm chi phí tuân thủ thấp, để pháp luật đến được với người dân và doanh  nghiệp một cách thực chất; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành  chính; nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công  nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và xây dựng cơ chế phát hiện, tháo  gỡ nhanh nhất các điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định pháp luật.

Bốn là: Nghiêm túc, khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề xuất đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy  của Bộ Tư pháp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với tinh thần “không làm  không được, khó mấy cũng phải làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “gác lại lợi ích  riêng, vì lợi ích chung”, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,  công chức, viên chức; tập trung tham mưu, giúp Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, theo  dõi các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật,  nhất là việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, kịp thời đề xuất phương án xử lý khó  khăn, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy. 

Năm là: Tiếp tục chú trọng và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức thi hành pháp luật với quá trình xây dựng pháp luật. 

Sáu là: Phát huy vai trò, tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế - xã  hội, hội nhập quốc tế, trong đó có việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế. 

Bảy là: Tập trung nghiên cứu, thực hiện hiệu quả chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và nguồn nhân lực pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, bảo đảm xứng tầm với yêu cầu ngày càng cao của công tác tư pháp trong giai đoạn mới. 

Phó Thủ tướng đã đánh giá cao trong năm 2024, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh tình hình mới; từng bước đổi mới tư duy trong công tác xây  dựng pháp luật. Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã cùng các bộ, cơ quan của Quốc hội, cơ quan liên quan khác nghiêm túc thực hiện công tác xây  dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”,  tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong các lĩnh vực. Công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản tiếp tục được triển khai kịp thời, có  trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực phản ứng chính sách, với nhiều kết quả nổi bật từ hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, tham mưu sửa đổi, bổ sung  các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. 

Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền cao nhất từ trước tới nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, bồi thường nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt nhiều kết quả cụ thể, có thể kể đến như: thể chế trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện; công tác chuyển đổi số trong hành chính tư pháp được tăng cường, gắn với triển khai Đề án 06; dẫn đầu trong các bộ, cơ quan ngang bộ về Chỉ số cải cách hành chính… 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng chỉ ra công tác tư pháp thời gian qua vẫn còn  những khó khăn, hạn chế, đặc biệt là về công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật khi  thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” ; trong đó: (i) Hệ thống pháp luật còn nhiều tồn tại, hạn chế, cản trở sự phát  triển, chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng, những vấn đề mới của thực tiễn phát sinh, hoặc đã được thể chế hóa nhưng tính khả thi  không cao; (ii) Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (ii)  Việc phân cấp, phân quyền, chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật còn  bất cập, chưa được chú trọng đúng mức; (iv) Kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây  dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện nghiêm; (v) Tình  trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; (vi) Hoạt động trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như bổ trợ tư pháp,  thi hành án dân sự, đào tạo pháp luật vẫn còn sai sót, vi phạm, biểu hiện “chạy theo  thị trường”, “cạnh tranh” không lành mạnh… 

Mai Hoa