QUY ĐỊNH MỚI

Quy trình kiểm toán phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Ngày đăng 22/05/2023 | 08:26  | Lượt xem: 148

Mục đích nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định pháp luật khác có liên quan

Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 15/5/2023 ban hành quy tình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Theo đó, quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán; việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quy trình này được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN), Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và thực tiễn hoạt động kiểm toán. Quy trình gồm 3 bước: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Mục đích nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; làm căn cứ để tổ chức thực hiện các bước công việc khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Quy trình này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các cuộc kiểm toán, các Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước , các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán; tổ chức, cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước; đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của: cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định, thông tin phản ánh, tố cáo sai phạm, tham nhũng, tố giác về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tố giác tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Kiểm toán nhà nước; Kiểm toán nhà nước xem xét, xử lý  thông tin tiếp nhận vào thời điểm xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định đưa vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Kế hoạch kiểm toán năm.  Thông tin tiếp nhận vào thời điểm Kế hoạch kiểm toán năm đã được ban hành thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định đưa vụ việc có dấu hiệu tham nhũng bổ sung vào Kế hoạch kiểm toán năm hoặc bổ sung vào nội dung, phạm vi của cuộc kiểm toán liên quan đã có trong Kế hoạch kiểm toán năm.

 Thông tin tiếp nhận liên quan đến cuộc kiểm toán đang thực hiện kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, bổ sung vào mục tiêu, nội dung và phạm vi của cuộc kiểm toán liên quan đó hoặc tách thành một cuộc kiểm toán khác.

Các trường hợp kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước gồm vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung của Kiểm toán nhà nước; vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung; vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiếp nhận liên quan đến một cuộc kiểm toán đang trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tách thành một cuộc kiểm toán khác.

Thông tư cũng quy định  yêu cầu đối với Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán:

-Tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống CMKTNN, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, các văn bản pháp luật và quy định của Kiểm toán nhà nước có liên quan.

- Nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động, tích cực phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tội phạm; xử lý kịp thời, hiệu quả các thông tin phản ánh, tố cáo sai phạm, tham nhũng, tố giác về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tố giác tội phạm.

-Tổ chức tiến hành các công việc theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Quy trình này. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc ghi chép, tập hợp đầy đủ kết quả kiểm toán cụ thể của từng bước công việc vào hồ sơ kiểm toán; tăng cường ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, kỹ thuật công nghệ cao; thực hiện bảo mật thông tin theo quy định.

- Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán thường xuyên giám sát, kiểm tra công việc của các thành viên Đoàn kiểm toán để đánh giá kết quả kiểm toán, rà soát và đánh giá bằng chứng kiểm toán, rút kinh nghiệm và quyết định các công việc tiếp theo; chỉ đạo, hướng dẫn thành viên Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Quy trình này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Vương Thảo