HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch
Ngày đăng 30/08/2024 | 16:57  | Lượt xem: 68

Có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích phù hợp. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Qua theo dõi chu kỳ diễn biến chất lượng môi trường không khí hằng năm cho  thấy trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, tình trạng ô  nhiễm không khí tại Hà Nội thường diễn biến xấu, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức  khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nồng độ bụi PM2.5  trong mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng và điều kiện khí  quyển không ổn định, làm hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm. Tình trạng này  thường xảy ra tại các quận nội thành, đô thị lớn, khu vực tập trung đông dân cư và  có mật độ hoạt động cao về giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động nêu  trên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng của các điều  kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi ảnh hưởng khả năng khuếch tán  các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra,  tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng trái quy  định vẫn đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố. 

Trước tình trạng nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản tăng cường các biện pháp kiểm soát ô  nhiễm không khí trong thời gian giao mùa. Theo đó, Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý,  thi công các công trình giao thông thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu  phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh; Tiếp tục tập trung nguồn lực mở  rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gắn với duy tu, đảm bảo an toàn  giao thông và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông; tổ chức phân  luồng, hạn chế tối đa tình trạng tắc nghẽn giao thông; giảm thời gian dừng đỗ và tăng  tốc độ trung bình trong quá trình tham gia giao thông; Thiết kế hạ tầng cho các làn  đường dành riêng cho xe đạp; tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng  phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện chạy  bằng nhiên liệu điện, nhiên liệu tái tạo, ít phát thải; Thường xuyên kiểm tra, phát hiện  các phương tiện đổ phế thải xây dựng không đúng quy định, không đảm bảo việc đáp  ứng an toàn khí thải khi tham gia giao thông; 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã và  các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát nhân  dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm  phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra thực tế, xác  định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn. Đồng thời, có các giải  pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích phù hợp.  Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.  

Sở Xây dựng, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã: Tổ chức  kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng,  cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán  bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển  vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình  xây dựng,…);  

Ban Quản lý các khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, UBND các quận,  huyện, thị xã: Tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là nguồn  diện từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt phụ phẩm nông nghiệp, khu vực xây dựng;  nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp); yêu cầu các cơ sở sản xuất công  nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm  các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;  đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động  và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.  

Chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan y tế địa phương và các cơ quan  truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp, giải pháp bảo vệ sức khỏe trước tình hình ô nhiễm không khí tại những  thời điểm chất lượng không khí bị ô nhiễm.  

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn  sử dụng các kết quả, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống  do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội  thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo thời tiết hàng ngày. 

Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị  các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 02/3/2024 của UBND  Thành phố Hà Nội, trong đó ưu tiên các nội dung sau: 

Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành ổn định hệ thống quan trắc chất  lượng không khí, thường xuyên cung cấp dữ liệu về diễn biến chất lượng không khí  trên cổng thông tin và các nền tảng số hoá khác của thành phố để cung cấp kịp thời  thông tin để người dân có thể chủ động ứng phó với những thời điểm chất lượng  không khí diễn biến xấu, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng; Khẩn trương thiết lập  hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm không khí để xác định các điểm nóng và có  phương án xử lý kịp thời. 

Thu Hường