PHÁP LUẬT

Xử phạt 166 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua tin báo của người dân
Ngày đăng 18/10/2024 | 08:37  | Lượt xem: 2

Thực hiện Kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong tháng 10/2024, Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử phạt 166 trường hợp vi phạm thông qua tin báo của người dân.

CSGT tổ chức ứng trực 24/24 để tiếp nhận tin báo của người dân về tình hình TTATGT

Ghi nhận từ ngày 15/9/2024 đến 14/10/2024, đã có 1.116 lượt tài khoản truy cập Trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội", nâng tổng số tài khoản theo dõi trang Zalo lên 20.170. Phòng CSGT đã tiếp nhận 690 tin qua Trang Zalo.

Có 545 tin phản ánh về các hành vi vi phạm TTATGT, qua kiểm tra, xác minh và thông báo trực tiếp, các đơn vị đã xử phạt đối với 166 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt thành tiền: 166.050.000 đồng; tước GPLX: 66 trường hợp. Các vi phạm phổ biến như: Điều khiển xe đi vào làn khẩn cấp; không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành hiệu lệnh của đèn THGT; chở hàng cồng kềnh, điều khiển xe kéo theo xe khác; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; quá tải, quá khổ; đi vào đường cấm, đường ngược chiều... ngoài các trường hợp đã xử lý, Phòng CSGT tiếp tục phối hợp với Công an cấp huyện kiểm tra, xác minh các trường hợp khác để giải quyết theo quy định.

 

Trong tháng, có 145 tin tương tác hỏi, đề nghị giải đáp các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính như công tác đăng ký quản lý phương tiện; cấp phép chấp thuận cho phương tiện đi vào khu vực hạn chế; xử phạt vi phạm hành chính, góp ý về tổ chức giao thông. Các tin đều được cán bộ tiếp nhận thông tin giải đáp hoặc hướng dẫn đến đơn vị có thẩm quyền để được giải quyết.

Ngày 10/8/2023, Công an thành phố Hà Nội công khai trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 để người dân có thể phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT. Thông qua phát động và thực hiện phong trào đã huy động được sự vào cuộc tổng thể của cả hệ thống chính trị thành phố; huy động được sức mạnh tổng hợp của mỗi người dân trong phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm về TTATGT cho lực lượng chức năng. Ngoài ra, việc người dân chủ động phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm... cũng góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, khắc phục được tình trạng người tham gia giao thông chỉ chấp hành khi có bóng dáng của lực lượng chức năng. Qua đó, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn giao thông, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.

 

Hà Nguyên