LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Quyền lợi của người lao động làm nghề, công việc độc hại, nguy hiểm
Ngày đăng 07/06/2024 | 23:57  | Lượt xem: 246

Chúng em là công nhân của một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hóa chất, làm việc trong điều kiện không nặng nhọc nhưng được xác định là tiếp xúc với chất độc hại, nguy hiểm thì về chính sách cho người lao động được ưu tiên hơn những gì?

Trả lời

Pháp luật về lao động hiện nay quy định người lao động làm việc trong môi trường độc hại sẽ có nhiều quyền lợi hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Cụ thể:

Điều 105 Bộ luật Lao động năm 20419 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan”.

Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này quy định người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

“a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.

Có nghĩa là, nếu như làm việc trong điều kiện bình thường, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương 12 ngày làm việc. Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động được nghỉ 14 ngày làm việc; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động được nghỉ 16 ngày làm việc.

Về tuổi nghỉ hưu, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật này, “Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 05 tuổi so với người lao động trong điều kiện lao động bình thường.

Ngoài ra, làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động còn được hưởng chính sách ưu tiên về bảo hiểm xã hội, bồi dưỡng bằng hiện vật...

Ví dụ, điểm b khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên”. Trong khi, làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Theo Điều 44 của Luật này, người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

“1. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này”.

Tóm lại, làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, người lao động được hưởng chính sách ưu tiên hơn người lao động làm việc trong điều kiện bình thường như trên.

Hùng Phi