HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Có tự nộp đơn xin ly hôn được không?
Ngày đăng 28/06/2024 | 15:51  | Lượt xem: 115

Chị T và anh Q kết hôn với nhau năm 2015 tại UBND xã B, trước khi cưới vợ chồng được tìm hiểu và tự nguyện kết hôn. Sau khi kết hôn thì vợ chồng chung sống hạnh phúc. Sau đó, vợ chồng có những mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn trầm trọng

vào tháng 10 năm 2018 đến nay. Nguyên nhân mâu thuẫn do vợ chồng có nhiều bất đồng trong cuộc sống, trong công việc làm ăn. Anh Q không quan tâm đến vợ con và có quan hệ với người phụ nữ khác. Hiện nay vợ chồng đã ly thân từ tháng 10 năm 2018 cho đến nay. Hiện nay anh Q đang đi làm tại Bắc Giang, đi làm ở địa chỉ nào chị không biết, anh Q chỉ tối mới về nhà ở cùng với bố mẹ đẻ tại xã P. Nay chị T xác định tình cảm không còn, chị xin được ly hôn với anh Q có được không? 

Trả lời:

- Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.

- Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

- Điều 55 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.

- Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."

Theo quy định của pháp luật, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Ly hôn là một điều không ai mong muốn nhưng có khi lại là giải pháp tốt nhất cho cả hai để tìm hạnh phúc mới. Vậy để đưa ra quyết định có cho ly hôn hay không Tòa án sẽ căn cứ vào: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Nhưng đối với việc ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi là đơn phương ly hôn, chuyện sẽ khó giải quyết hơn do có thể có sự không hợp tác, lưỡng lự, mâu thuẫn lời khai của 2 bên. Việc một người kiện xin ly hôn có thể do nhiều vấn đề nhỏ hoặc lớn, nhưng hôn nhân hợp pháp là hôn nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ nên không thể vì vấn đề nhỏ mà cho ly hôn. Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn khi “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” mà nguyên nhân là do có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như Quỳnh