HÒA GIẢI CƠ SỞ

Xóa bỏ tục lệ lạc hậu, vì bình yên trong mỗi con người
Ngày đăng 16/12/2024 | 15:28  | Lượt xem: 35

Bình và Yến yêu nhau nhưng gia đình ngăn cản vì quan niệm lạc hậu người hai thôn kết nghĩa anh em thì không thể kết hôn, nếu cố tình kết hôn thì sẽ xảy ra những chuyện không may mắn. Vì tình yêu, Yến sinh con được một thời gian và mang để trước cửa nhà Bình. Được cán bộ xã giúp đỡ, giải thích gia đình Bình đã đồng ý, không ngăn cản và cùng chăm sóc con. Bình và Yến đã đến xã đăng ký kết hôn và khai sinh cho con.

Buổi tối những ngày cuối năm, khi tiết trời chìm trong cái lạnh buốt cộng thêm những hạt mưa phùn sẽ khiến cho lòng người ta có cảm giác nặng trĩu hơn.  22 giờ đêm, mặc dù trên đường phố những ánh đèn điện vẫn soi sáng mọi ngóc ngách nhưng trên những tuyến đường lại vắng đi những tiếng bước chân người qua lại. Như có một dự cảm không hay về cuộc điện thoại, tôi trả lời một cách hốt hoảng. Đầu dây bên kia là đồng chí Công an khu vực thông báo trên địa bàn phát hiện một trường hợp em bé bị bỏ rơi trước cổng nhà một người dân. Với trách nhiệm công việc của một công chức Tư pháp – hộ tịch, tôi nhanh chóng dắt xe ra khỏi nhà đến địa điểm vừa được thông báo.

Một bé gái xinh xắn khoảng 6 tháng tuổi nằm gọn trong vòng tay của Bình – con trai của bác An (người đầu tiên phát hiện ra em bé bị bỏ rơi trước cổng nhà mình). Gác lại những suy nghĩ vu vơ, những giả thiết về câu chuyện tại sao những người thân của con lại có thể từ bỏ đứa con của mình, tại sao cho con được sinh ra trong cuộc sống này rồi lại một lần nữa từ chối con; tôi tập trung vào công việc của mình. Tôi lập biên bản ghi nhận lại sự việc, bàn giao lại con cho gia đình bác An tạm thời chăm sóc trong thời gian thông báo công khai sự việc trên phương tiện thông tin đại chúng. Xong việc, tôi trở về nhà mà lòng ngổn ngang suy nghĩ. Tôi hy vọng rằng ngày mai những người thân của con sẽ nhớ con, thương sót cho đứa con mình sinh mà suy nghĩ lại và đến đón con về nhà vì tôi tin rằng trong lòng mỗi con người ai cũng có lòng trắc ẩn, có những suy nghĩ và hành động sai lầm nhưng tình cảm thiêng liêng đối với đứa con mình mang nặng đẻ đau sinh ra thì không gì có thể so sánh được. Bằng linh cảm của một người đã từng làm mẹ, tôi tin chắc rằng đằng sau câu chuyện em bé bị bỏ rơi sẽ có nhiều uẩn khúc.

Những ngày tiếp theo, hàng ngày tôi đều qua nhà bác An để nắm tình hình và theo dõi sức khỏe của con. Nhà bác An tuy không phải là một gia đình có điều kiện, bác An lại là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, chồng bác mất sớm, một mình bác nuôi Bình - người con trai duy nhất trưởng thành nhưng cái cách mà bác An chăm sóc con - một đứa trẻ xa lạ bị bỏ rơi trước cổng nhà mình một cách ân cần, chu toàn và đầy yêu thương khiến tôi rất yên tâm khi tạm thời bàn giao con cho gia đình bác chăm sóc. Mặc dù Bình – con trai bác, một thanh niên chưa lập gia đình, chưa từng có con nhưng lại rất nhiệt tình chăm sóc con, hình ảnh Bình lóng ngóng thay bỉm cho con, rồi hốt hoảng pha sữa cho con mỗi khi con đói và khóc đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cũng đã làm mẹ của hai đứa con, tôi cảm nhận được những tình cảm mà bác An và Bình dành cho con không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của một gia đình đầu tiên phát hiện em bé bị bỏ rơi mà hơn thế nữa đó là sự yêu thương của những người thân với nhau.

Tôi lặng lẽ tìm hiểu thì được biết, Bình chưa lập gia đình nhưng cũng đã có người yêu, mặc dù đã yêu nhau khá lâu nhưng vẫn không được gia đình đồng ý nên chưa tổ chức đám cưới. Người yêu của Bình là Yến, cô gái ở huyện khác nhưng cách huyện chúng tôi cũng không xa. Tôi tìm hiểu hàng xóm xung quanh nhà Yến và thật bất ngờ khi được biết Yến cũng vừa sinh em bé. Tôi dần hiểu ra câu chuyện.

Tôi gặp Yến vào một buổi chiều, hình ảnh Yến ngồi thẫn thờ nhìn vào những bộ quần áo màu hồng nhỏ xinh đáng yêu trước mặt vì đang nhớ con làm tôi rất xúc động. Tôi nói với Yến “tức sữa khó chịu lắm phải không em?”. Yến giật mình nhìn tôi. Tôi giới thiệu cho Yến về mình và nói cho Yến yên tâm rằng con gái em rất khỏe mạnh và hiện đang được bác An và Bình chăm sóc rất tốt, chỉ là con khóc nhiều mỗi lần khát sữa mẹ. Yến nhìn tôi bật khóc, Yến kể cho tôi nghe về câu chuyện của em, về lý do tại sao Yến lại có hành động như vậy, tôi hiểu em đã phải uất ức như thế nào khi đem chính đứa con mình mang nặng đẻ đau sinh ra trả cho gia đình Bình - người yêu của Yến và cũng là cha của em bé.

Tôi hẹn gặp riêng Bình, tôi bắt đầu câu chuyện bằng sự chia sẻ. Bình thoáng chút giật mình nhưng sau đó em cũng hiểu tôi đã biết câu chuyện của em. Bình chia sẻ em và Yến yêu nhau chân thành, gia đình hai bên cũng biết chuyện của các em nhưng mẹ Bình thì lại nhất quyết phản đối chuyện tình yêu này chỉ vì cho rằng tục lệ hai thôn kết nghĩa anh em từ hàng trăm năm nay, quan niệm của người trong thôn cho rằng, đã là anh, em thì chỉ có gắn kết, tương trợ và yêu thương như người ruột thịt chứ không thể kết hôn, nếu cố tình kết hôn thì sẽ xảy ra những chuyện không may mắn trong cuộc sống hôn nhân sau này. Bình kể, mặc dù đã thuyết phục mẹ mình nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý, khi biết tin Yến có thai thì cả hai em đã rất vui mừng vì nghĩ rằng mẹ mình sẽ vì thương và nghĩ đến đứa cháu mà đồng ý. Nhưng bác An vẫn cương quyết không cho Yến và Bình lấy nhau, Bình kể, mẹ mình đã từng tuyên bố nếu Yến đẻ con thì con cháu nhà mình sẽ do mình nuôi nhưng nhất định không cho Yến và Bình kết hôn vì tục lệ của hai thôn đã có và không được làm trái. Thậm chí còn nói sẽ đi theo bố Bình nếu hai em vẫn cương quyết cãi lời. Bình vì thương mẹ bao năm nay vất vả nuôi mình không lớn, thương người yêu vì mình mà hy sinh tuổi trẻ nên lúc nào cũng ở trong tâm trạng giằng co, không lối thoát, em tìm đến những cuộc vui để quên đi những trách nhiệm của mình. Yến vì thế mà mất đi chỗ dựa, mất đi niềm tin, bản thân mệt mỏi khi một mình trải quả cảm giác mệt mỏi khi mang thai. Yến vì thế mà ấm ức, nghĩ rằng sinh con xong sẽ trả con, trả cháu cho gia đình Bình. Nghĩ là làm, Bình cũng rất bất ngờ khi Yến lại có hành động dại dột như vậy. Tôi chỉ động viên Bình hãy nghĩ đến Yến và đứa con, nghĩ đến hạnh phúc của mỗi người, đừng vì những thủ tục lạc hậu mà đánh đổi hạnh phúc và tương lai của mình. Pháp luật không cấm nam nữ hai thôn kết nghĩa với nhau nên duyên vợ chồng.

Tôi gặp lãnh đạo của hai thôn, trao đổi công việc, quan điểm và mong muốn ban lãnh đạo hai thôn, các vị cao niên trong hai thôn làm công tác tư tưởng cho bác An để bác bỏ qua cái quan niệm lạc hậu đã tồn tại hàng trăm năm nay không còn phù hợp với pháp luật hiện hành, để cho hai bạn trẻ có quyền tự nguyện đến với nhau, để cho con có quyền được khai sinh có đủ cả bố mẹ và con được lớn lên trong tình yêu thương của tất cả những người thân trong gia đình. Buổi làm việc diễn ra có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, đại diện lãnh đạo hai thôn kết nghĩa, gia đình hai bên và đặc biệt đây là lần đầu tiên sau gần một tuần xa con mà Yến được ôm con gái trong vòng tay, cho con những dòng sữa mẹ ngọt ngào, ấm áp. Hình ảnh Yến vừa cho con bú vừa khóc, những tiếng khóc đói sữa xé lòng của con không còn nữa mà thay vào đó là khuôn mặt mãn nguyện của con khi được no sữa đã làm cho những người có mặt tại buổi làm việc ngày hôm đó thật sự rất xúc động. Dường như tình yêu thương giữa người với người đã xóa bỏ đi phần nào quan điểm lạc hậu của bác An, bác cũng không còn những phản ứng gay gắt, những câu nói làm tổn thương những đứa con của mình. Tôi lập biên bản bàn giao con cho Yến theo quy định. Yến cùng gia đình mình đưa con về nhà nhưng bằng niềm tin vào tình yêu thương giữa những con người chân thành dành cho nhau, tôi tin chắc vào một ngày không xa, Yến và con sẽ quay trở lại căn nhà này một cách hợp pháp và trong niềm vui, sự chúc phúc của mọi người.

Những ngày đầu năm mới, đi làm với tâm trạng phấn khởi, niềm vui của tôi được nhân lên gấp nhiều lần khi Yến và Bình xuất hiện tại phòng làm việc của tôi với trang phục áo dài đỏ truyền thống và lời yêu cầu “chị hướng dẫn chúng em thủ tục đăng ký kết hôn và khai sinh cho con”. Hướng dẫn Yến và Bình thủ tục đăng ký khai sinh cho con, tôi hỏi hai vợ chồng em dự định đặt tên con gái là gì thì ánh mắt Yến sáng lên khi nói về cái tên mà hai vợ chồng em dành tặng cho cô con gái nhỏ của mình, Bảo Anh là cái tên mà vợ chồng em đã chọn. Em giải thích: "Bảo" – tức là bảo bối, con gái là món quà quý giá mà cuộc sống ban tặng cho gia đình. Còn chữ "Anh" là…tên của chị đấy" – Yến thỏ thẻ - vì vợ chồng em rất biết ơn chị và các đồng chí lãnh đạo xã, thôn đã giúp hai thôn hiểu và dần xóa bỏ được những tư tưởng lạc hậu, gắn kết hai gia đình lại với nhau, giữ nguyên vẹn tình yêu đôi lứa và cho con gái em có một cuộc sống đầy đủ yêu thương. Tôi không nhắc lại câu chuyện cũ với các em, tôi chỉ cười và các em cũng cười – đó là nụ cười của sự hạnh phúc.

Thay cho lời kết của câu chuyện là một câu nói tôi đã rất thích trong cuốn sách “chọn cách sống hạnh phúc”: “Cuối cùng, gặp được nhau là do ý trời, có thể nỗ lực ở cạnh nhau hay không, vẫn là do ý người. Chúng ta hãy bình yên theo cách của riêng mình”. “BÌNH YÊN” của bác An là được sớm tối quây quần bên con cháu; “BÌNH YÊN” của Bình – Yến là được sống trọn vẹn với tình yêu tuổi trẻ; “BÌNH YÊN” của bé Bảo Anh là được lớn lên trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình; “BÌNH YÊN” của những người con hai thôn kết nghĩa là đã dám đứng lên xóa bỏ tục lệ lạc hậu; còn “BÌNH YÊN” của tôi – một công chức Tư pháp – hộ tịch đó là được khép lại hồ sơ con bỏ rơi và được mở những trang sổ hộ tịch viết những thông tin kết hôn và khai sinh với niềm hạnh phúc, sự tin tưởng vào pháp luật và tình yêu thương của con người!

Bùi Lan Anh, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh