HÒA GIẢI CƠ SỞ

Nhờ em gái mang thai..
Ngày đăng 19/11/2024 | 11:44  | Lượt xem: 67

Hai vợ chồng chị Giang anh Minh gần nhà nhau. Yêu nhau từ cấp 3, lên Đại học, ra trường, cả 2 cùng về quê thi tuyển công chức và công tác tại huyện ngoại thành.

Công việc ổn định, bố mẹ 2 bên ủng hộ, 2 vợ chồng kế hoạch chưa có con vội, sau vài năm phấn đấu để dành tiền mua nhà ở trung tâm huyện. Sau khi nhà cửa xong xuôi, 2 vợ chồng quyết định sinh em bé xong thả vài năm vẫn chưa thấy.

Anh chị quyết tâm đi điều trị nhưng cả quá trình dài không hiệu quả. Anh chị đi khám chữa tại 4 bệnh viện không có kết quả. Họ 4 lần thụ tinh nhân tạo, 4 lần thụ tinh ống nghiệm, 9 lần chuyển phôi, đều thất bại. Và điều buồn nhất là mới đây, chị Giang nhận được kết quả ung thư nội mạc tử cung, bắt buộc phải cắt bỏ. Bác sỹ tư vấn phương án tìm người mang thai hộ. Họ còn 5 phôi tốt trữ đông tại bệnh viện, có thể chuyển vào tử cung của một phụ nữ trẻ, khỏe mạnh để mang thai, sinh con giúp.

Sau khi điều trị ung thư ổn định, hai vợ chồng bàn tính đến vấn đề mang thai hộ. Sau khi đã tính toán các trường hợp, chị Giang đề xuất với chồng nhờ Mỵ, em gái cùng cha khác mẹ, do mẹ cô mất sớm, đã có chồng và 2 con, chồng đi lao động xuất khẩu, vốn rất thương chị, sẵn sàng mang thai hộ và chồng My hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên chồng chị lại không muốn nhờ em gái, do ngại vấn đề dây dưa họ hàng, rồi nhì nhằng tên con trên giấy khai sinh. Anh muốn đưa chị sang Thái Lan làm dịch vụ hoặc nhờ đẻ thuê giá cao trong nước. Do tìm hiểu trên mạng có rất nhiều – anh Minh bàn.

Biết khó thuyết phục nên chị Giang nhờ bác Túc là hòa giải viên, và là một người rất am hiểu pháp luật. Chị cùng với chồng tìm đến bác Túc để hỏi về vấn đề mang thai hộ.

Hai vợ chồng đã trình bày lại toàn bộ sự việc và hỏi chị về pháp luật quy định về người mang thai hộ, về mang thai hộ như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”.

Một nội dung quan trọng nữa là giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ phải lập Thỏa thuận về mang thai hộ, thỏa thuận phải có các nội dung cơ bản sau đây: thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình; cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật Hôn nhân và gia đình; việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý (theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Như vậy, người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

Những băn khoăn của anh Minh, về việc ghi tên cha mẹ trên giấy khai sinh đối với trường hợp  nhờ mang thai hộ, bác Túc giải thích:

Thứ nhất, về việc xác định cha mẹ con, Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình quy định con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Như vậy, đứa trẻ chính là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ

Thứ hai, về việc ghi nhận tên cha mẹ trên giấy khai sinh, Điều 16 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch quy định phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Như vậy tên của vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được xác định là tên của cha và mẹ đứa trẻ.

Nghe xong, vợ chồng Giang và anh Minh đã hiểu và việc chị Giang nhờ em gái chị mang thai hộ là đúng theo quy định của pháp luật về mang thai hộ.

LÊ NGUYỄN