HÒA GIẢI CƠ SỞ
Huyện Ba Vì có 31 xã, thị trấn, riêng khu vực miền núi có 7 xã với 76 thôn; đồng bào dân tộc thiểu số có 29.477 người/7.538 hộ (chiếm 37,1% dân số vùng dân tộc, miền núi).
Những năm qua, việc hiến đất làm đường, các công trình công cộng ở 7 xã miền núi của huyện Ba Vì ngày càng được nhân rộng, trong đó nhiều hộ người Mường và Dao đã đi đầu trong phong trào này.
Trong số các gia đình tham gia hiến đất làm đường ở huyện Ba Vì, phải kể đến gia đình anh chị Trần Văn Sơn - Nguyễn Thị Bốn ở thôn Bưởi, xã Khánh Thượng. Năm 2022, dự án đường liên thôn Gò Đình Muôn - Bưởi được Nhà nước đầu tư đi qua khu đất gia đình. Được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình chị Bốn đã đồng ý hiến hơn 1.500m² đất để làm đường. Đường mới cắt đôi miếng đất của gia đình chị, nhưng tạo nên diện mạo mới của cả thôn. Đường trước đây chỉ rộng 1m, nắng bụi, mưa lầy, nay nhờ có sự đóng góp chung tay của người dân, nhất là những hộ gia đình như chị Bốn mà thôn Bưởi có tuyến đường rộng rãi từ 4m - 6m.
Trước đây, do chưa có hệ thống mương thoát nước nên tuyến đường Ba Vành - Suối Mơ ở xã miền núi Yên Bài thường xuyên bị đọng nước dẫn đến bong tróc, lầy lội. Năm 2023, xã Yên Bài được huyện đầu tư xây dựng hệ thống mương thoát nước tuyến đường này. Sau khi được tuyên truyền, vận động, 8 hộ gia đình ở thôn Bài đã tham gia hiến đất làm mương. Trong đó, tiêu biểu có các hộ gia đình người dân tộc Mường như ông Nguyễn Trọng Lực hiến 200m², ông Ngô Xuân Thủy hiến 200m². Nhờ sự đóng góp của các hộ dân, tuyến mương được hoàn thành theo đúng thiết kế, góp phần thoát nước, bảo vệ tuyến đường.
Đầu năm 2024, hưởng ứng chủ trương của huyện Ba Vì đầu tư mở rộng đường ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, nơi có 98% dân số là người dân tộc Dao, anh Triệu Tiến Quang đã hiến 620m² đất của gia đình mình. Tương tự, tại xã Vân Hòa, gia đình ông Kiều Văn Tuấn, vợ là Lê Thị Nụ, đã hiến 125m² đất cho xã xây dựng nhà văn hóa thôn Nghe...
Những năm qua, việc hiến đất đã trở thành phong trào rộng khắp ở huyện Ba Vì, trong đó có 7 xã miền núi. Mỗi khi có dự án về giao thông, nhà văn hóa, trường học trên địa bàn là lại xuất hiện những tấm gương bà con hiến đất. Nguồn lực phát triển và sự chung tay của người dân là cơ sở để các xã, thị trấn và huyện Ba Vì, trong đó có 7 xã miền núi, tự tin hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và các kế hoạch phát triển trước mắt và lâu dài.
Minh Quang là xã dân tộc miền núi của huyện Ba Vì với 40% là đồng bào dân tộc Mường, kinh tế chưa phải phát triển cao. Thế nhưng, đây lại là xã miền núi đầu tiên được huyện Ba Vì chọn về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong quá trình ấy, người dân xã Minh Quang luôn có ý thức đoàn kết, đồng hành với cấp ủy, chính quyền thực hiện mục tiêu này nhất là việc hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng.
Theo ông Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước, đến nay trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nhân dân địa phương đã hiến tới 35.592m² đất để xây dựng, mở rộng đường giao thông và kênh mương...
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Thành bày tỏ niềm tự hào vì tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người dân địa phương khi xã tiến hành các dự án nhằm xây dựng nông thôn mới. Trong đó, với dự án mương thoát nước đường Ba Vành - Suối Mơ đã đề cập ở trên, tổng diện tích đất mà 8 hộ đã hiến là hơn 1.000m², không chỉ có đất nông nghiệp mà còn có cả đất thổ cư. Ở thôn Chóng, 5 hộ gia đình đã hiến hàng trăm m² đất để giúp xã mở rộng tuyến đường Đồng Vỡ - Ngô Công từ 2m lên 4,5m. Cũng trong năm 2024, 8 hộ gia đình khác ở thôn Chóng đã cùng nhau hiến tổng số 170m² đất cho xã làm đường, làm mương.
Xã Khánh Thượng được xem là nơi giữ kỷ lục về số người hiến đất nhiều nhất huyện Ba Vì, với nhiều hộ gia đình vẫn luôn sẵn lòng hiến đất làm đường, làm kè mỗi khi Nhà nước cần. Ông Nguyễn Xuân Sứng, Trưởng thôn Khánh Chúc Bãi chia sẻ: Khi địa phương triển khai dự án kè bờ sông Đà, 15 hộ dân ở đây đã hiến 1.290m² đất ở, đất vườn cho dự án. Thôn còn có 16 hộ dân khác hiến 1.230m² đất để mở rộng đường giao thông trong khu dân cư; trong đó có 119m² đất ở. Bà con còn đóng góp 200 ngày công lao động để hỗ trợ địa phương làm đường nhanh chóng. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng Nguyễn Chí Thủy, chỉ tính riêng năm 2023, 108 hộ dân ở 7 thôn trên địa bàn xã đã hăng hái hiến đất làm đường, làm bờ kè. Tổng diện tích đất mà bà con đóng góp lên tới hơn 5.500m². Trong đó, nhân dân thôn Khánh Chúc Bãi đã hiến hơn 2.400m², người thôn Phú Thứ hiến 1.000m², thôn Gò Đá Chẹ đóng góp 800m² đất... “Việc hiến đất của các hộ đã giúp cho các dự án ở xã Khánh Thượng hoàn thành theo tiến độ, giúp những tuyến đường, bờ kè ở Khánh Thượng khoác lên mình tấm áo mới, xã chúng tôi phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào những năm tiếp theo” - ông Nguyễn Chí Thủy chia sẻ.
Ông Bùi Huy Giáp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết: “Các xã miền núi của huyện Ba Vì, nhất là bà con người dân tộc Mường và Dao đã luôn hăng hái hiến đất làm đường. 5 năm qua, 7 xã miền núi của Huyện đã có tới 343 hộ dân hiến đất với tổng số 30.540m², trong đó diện tích đất thổ cư lên tới 10.455m², chiếm 34% số diện tích đất hiến để làm đường và các công trình phúc lợi khác”.
Có thể thấy, việc hiến đất làm đường ở 7 xã miền núi huyện Ba Vì, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số là người Mường, người Dao thật đáng quý. Đây chính là nguồn động lực quan trọng để địa phương tiếp tục xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nhằm mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Hồng Đạt