HÒA GIẢI CƠ SỞ

Nhặt được của rơi, tạm thời … bỏ túi
Ngày đăng 17/08/2024 | 10:23  | Lượt xem: 78

Đạt con nhà bà Hường thi tốt nghiệp xong. VÌ gia đình không có điều kiện nên không xác định học đại học, bà Hường cho con vào Nam thăm bà con kết hợp tìm hiểu công việc học nghề trong Nam mà nhiều thanh niên trong làng đã vào lập nghiệp và có công việc khá tốt trong đó.

Gần hết hè, sau hơn tháng tìm hiểu, làm quen với công việc Đạt quay về nhà, chuẩn bị tư trang, sẵn sàng vào trong Nam làm việc.
Có điều lạ là,  chỉ sau hơn tháng vào Nam học việc, nhà thuộc dạng nghèo mà lần này về, đi đâu chơi, trên tay Đạt luôn cầm chiếc điện thoại Iphone 15 đắt tiền mới đét, lại còn có cả chiếc máy vi tính hiệu quả táo nhìn rất mới. Ai hỏi Đạt lấy ở đâu ra, ai cho, cu cậu chỉ tủm tỉm cười và nói: “bí mật”.
Bác Nhân, tổ trưởng dân phố, cũng là bác họ của Đạt rất ngạc nhiên, băn khoăn và cũng lo lắng vì bác là người hiểu rõ gia cảnh nhà Đạt nhất. Đi vào Nam, không có tiền mua vé, Đạt phải đi ô tô vào, khi đi ra, vì cần sớm ra làm thủ tục để quay vào Nam làm việc, nhà bà Hường phải vay bác Nhân tiền mua vé máy bay, vậy mà Đạt lại có cả điện thoại lẫn máy tính hàng xịn. Bác lo lắng sau 1 tháng, lỡ Đạt làm gì vi phạm pháp luật để có tiền, nên kéo bà Hường ra hỏi.
Bà Hường cười xòa và nói: Nhà cháu may quá ạ. Bác không phải lo đâu, hôm Đạt nó từ sân bay về, máy bay bị trễ cả mấy tiếng, cháu nó thấy có cái túi xách để cạnh từ lúc cháu nó ngồi đợi bay từ chiều, đến lúc giờ lên sân bay cũng không thấy ai qua lấy, nên cầm về. Giở ra, thấy 1 cái điện thoại còn nguyên trong hộp chưa sử dụng, máy tính thì thấy toàn hiện chữ trung quốc hàn quốc, chắc của người nước ngoài bỏ quên. Cháu nó không cầm thì người khác chắc cũng cầm bác ạ. Thôi thì chắc cháu ở hiền gặp lành, nhặt được của rơi, muốn trả lại cũng chả biết tìm ai mà trả thì dùng vậy bác ạ.
Bác Nhân nghe thấy, suy ngẫm. Ra về, bác vẫn suy nghĩ mông lung. Về tra mạng và tìm hiểu sách luật, bác giật mình, lật đật chạy qua nhà bác Hường và bảo bà cùng Đạt xem xét kỹ: 
 Theo khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự, khi nhặt được tài sản người khác làm rơi, người nhặt được phải có trách nhiệm trả lại cho người bị mất.
Nếu nhặt được tài sản không trả lại mà tạm thời “bỏ túi”, người nhặt được tài sản có thể đối mặt với việc bị xử phạt hành chính hoặc năng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
1.1 Xử phạt hành chính
Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” có thể bị phạt tiền đến 03 - 05 triệu đồng.
1.2 Chịu trách nhiệm hình sự
Người nào cố tình không trả lại tài sản có giá trị từ 10 - dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật/vật có giá trị lịch sử, văn hoá do mình tìm được, nhặt được sau khi đã được yêu cầu trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự:
Bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.
Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.
(theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản).
Nếu tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì phải chịu mức phạt tù cao hơn, sẽ phải đi tù từ 01 - 05 năm.
Như vậy, nhặt được tài sản không trả lại có thể bị xử phạt hành chính đến 05 triệu hoặc nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đến 05 năm tù.
Nghe và đọc xong, cả Đạt và bà Hường đều hoang mang, vì nghĩ đơn giản, mình chỉ nhặt được, chứ không cố tình trộm cắp gì. Bác Nhân tìm hiểu và tư vấn thêm:
 Cách xử lý khi nhặt được của rơi của người khác
 Điều 230 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. 
“Như vậy, trường hợp phát hiện tài sản của người khác đánh rơi, nếu biết thông tin và địa chỉ của người đó thì phải thông báo hoặc trả lại, nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã gần nhất để công khai cho người đánh rơi có thể đến nhận lại tài sản.
Trường hợp cháu nhặt được điện thoại, máy tính, cố tình chiếm giữ mà không trả lại là vi phạm quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi. Hành vi của cháu có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật” – bác Nhân khuyên nhủ.
Dạ vâng, vậy trong tuần tới, khi vào tới miền Nam, sân bay trong đó, cháu sẽ làm thủ tục giao nộp lại túi xách đã nhặt được bác ạ - Đạt thành thật nói.
LÊ NGUYỄN