HÒA GIẢI CƠ SỞ
vợ chồng cần tự nhìn lại để xem xét, đánh giá lại những lỗi lầm, thiếu sót, khuyết điểm của bản thân để sửa chữa và nên có lòng bao dung, vị tha, thông cảm cho nhau.
Anh Nguyễn Văn A và chị Lê Thị B đã kết hôn với nhau được gần chục năm. Gia đình đang sinh sống và làm việc tại thôn 7, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Anh A làm thợ xây, chị B hái chè, sao chè thuê tại địa phương. Chính vì vậy, thu nhập của hai vợ chồng rất thấp, không ổn định, phụ thuộc theo mùa vụ. Gần đây do kinh tế khó khăn, ít việc nên anh A đâm ra chán nản, thường xuyên rượu chè “đàn đúm”…Khi về nhà, anh A đôi lúc đã xúc phạm chị B, nhiếc móc, mắng chửu vợ con. Quá bức xúc, chị B đã tuyên bố sẽ làm đơn ly hôn gửi Toà án nhân dân huyện Ba Vì. Nắm bắt được thông tin, tổ hoà giải thôn 7 đã họp bàn để tiến hành hoà giải.
Quá trình hoà giải
Sau khi nắm được thông tin về mâu thuẫn của gia đình chị B, tổ hòa giải thôn 7 đã mời Luật gia Bạch Minh Hằng (Chi hội Luật gia xã Ba Trại) cùng họp, phân tích mâu thuẫn của gia đình chị B và thống nhất phân công hòa giải viên Phạm Thị Nhàn (Chi hội trưởng Phụ nữ) và hòa giải viên Hà Khắc Cường (trưởng thôn) chủ động gặp gỡ, trao đổi riêng với anh A và chị B để tìm hiểu nội dung, nguyên nhân mâu thuẫn, tâm tư, nguyện vọng của hai bên và hòa giải.
Ngoài ra, để nắm được tổng thể vụ việc một cách khách quan, toàn diện, hòa giải viên còn gặp gỡ, trao đổi với bố, mẹ đẻ của anh A, trưởng họ bên anh A, hàng xóm nhà vợ chồng anh A và bố, mẹ đẻ của chị B.
Đồng thời, hòa giải viên cũng dành thời gian để tìm hiểu các quy định của pháp luật về dân sự, về hôn nhân và gia đình… để đối chiếu quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của anh A và chị B trong quan hệ vợ, chồng. Qua đó, hòa giải viên đã trả lời được các câu hỏi: Trong quan hệ vợ chồng, anh A và chị B ai là người đúng, ai là người sai và sai đến đâu và đúng ở mức độ nào, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào, vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào theo quy định pháp luật? Hơn nữa, để tìm ra các quy định pháp luật thích hợp áp dụng cho giải quyết vụ việc này, hòa giải viên đã tham khảo ý kiến của Công chức tư pháp - hộ tịch xã, Luật gia Bạch Minh Hằng. Sau đó, hòa giải viên thống nhất với vợ chồng anh A, chị B về thời gian và địa điểm thực hiện hòa giải, thành phần tham dự hòa giải, việc hòa giải tiến hành công khai hay không công khai.
Ngày 23/9/2024, tại Nhà văn hóa thôn 7, tổ hòa giải đã tổ chức buổi hòa giải mâu thuẫn giữa vợ chồng anh A, chị B, thành phần tham dự gồm: anh A, chị B, bố đẻ của 2 bên vợ chồng, Trưởng xóm (đồng thời là hàng xóm) và Trưởng tộc bên anh A. Tại buổi hòa giải, hòa giải viên chủ trì buổi hòa giải nêu mục đích, ý nghĩa của buổi hòa giải là hàn gắn tình cảm vợ chồng anh A, chị B. Sau đó, hòa giải viên mời anh A, chị B trình bày lại nội dung, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến chị B phải làm đơn ly hôn và nhấn mạnh các bên đều có quyền bổ sung ý kiến, đưa ra quan điểm của mình.
Qua nghe ý kiến của anh A và chị B, hòa giải viên đã tổng hợp lại các vấn đề mâu thuẫn, phân tích vụ, việc: Anh A và chị B đã chung sống với nhau 9 năm và đã có một cô con gái đầu lòng, có công ăn việc làm, nhà cửa lại khang trang đó là niềm mơ ước của bao gia đình trẻ. Bản thân anh A xuất thân từ gia đình gia giáo, vốn là người đàn ông hiền lành, tốt bụng. Tuy nhiên, chỉ có thời gian gần đây do công việc ít, thu nhập giảm sút, bản thân anh A mới sinh ra chán nản, tiêu cực, nên đã có hành vi không đúng mực như mắng chửi vợ con, đây là hành vi hành vi vi phạm pháp luật “Bạo lực gia đình ”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hành vi của anh A chưa thực sự gây ra hậu quả nghiêm trọng nên anh A phải nghiêm túc kiểm điểm, suy nghĩ lại việc làm của mình. Đồng thời, thời gian tới cần tu trí làm ăn, bỏ rượu chè và quan tâm gần gũi, động viên, chia sẻ công việc với vợ nhiều hơn để cùng nhau chăm sóc con gái và xây dựng gia đình hạnh phúc; cố gắng thực hiện tốt vai trò của người chồng: là chỗ dựa vững chắc cho người vợ, là người cha tốt và người con hiếu thuận trong gia đình.
Còn về phía chị B, chị cũng nên cảm thông, tha thứ cho chồng, bởi lỗi của chồng cũng một phần là do hoàn cảnh và cũng một phần do người vợ chưa tâm lý, chưa kịp thời tâm sự, động viên, chia sẻ với chồng lúc khó khăn. Theo phong tục tập quán cũng như theo quy định của khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, hạ bớt cái tôi xuống một chút, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết; nói không với những tệ nạn xã hội, sống thủy chung và điều quan trọng nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.
Đồng thời, đại diện hai bên gia đình, trưởng dòng họ và ông Trưởng xóm đều cùng phân tích, tham gia góp ý và động viên hai vợ chồng trẻ: Trong cuộc sống, gia đình nào rồi cũng có lúc vợ chồng mâu thuẫn, xích mích “chồng bát còn có khi xô”. Các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm của mình, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với đó là sinh con sớm, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Khó khăn còn nhiều, kinh tế chưa vững khiến vợ chồng sinh ra mâu thuẫn và người vợ đã xin ly hôn. Nếu ly hôn, cả hai vợ chồng đều thiệt thòi nhưng người bị thiệt thòi, bất hạnh nhất sẽ là con trẻ, tương lai của chúng sẽ ra sao nếu không có một gia đình trọn vẹn, thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của cha, mẹ... Vì vậy, vợ chồng cần tự nhìn lại để xem xét, đánh giá lại những lỗi lầm, thiếu sót, khuyết điểm của bản thân để sửa chữa và nên có lòng bao dung, vị tha, thông cảm cho nhau. Nếu vợ chồng trẻ mà vượt qua được những khó khăn trước mắt, biết lắng nghe, chia sẻ, động viên an ủi lẫn nhau thì cuộc sống mới thực sự hạnh phúc, bền lâu. Như thế, gia đình, dòng họ mới trong ấm ngoài êm và làng xóm, xã hội mới gắn kết, phát triển tốt được.
Kết quả hòa giải
Sau khi nghe ý kiến của hòa giải viên và những người tham gia hòa giải, anh A đã hiểu ra lỗi lầm của mình, thành thật xin lỗi chị B và hai bên gia đình. Anh mong bố mẹ hai bên bỏ qua và chị B cảm thông, rút lại ý định gửi đơn ly hôn mà quay lại với anh, để anh có cơ hội sửa chữa lỗi lầm của mình, vợ chồng cùng nhau xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái. Về phía chị B cũng xin lỗi bố mẹ vì đã làm cho hai bên gia đình phải phiền lòng, cảm ơn tổ hoà giải và cũng nhất chí với những lời khuyên của tổ hoà giải, đồng ý tha thứ cho anh A để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, cùng nhau nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành. Buổi hòa giải kết thúc với việc văn bản hòa giải thành được lập có chữ ký của vợ chồng anh A, chị B và Hòa giải viên tham gia hòa giải. Anh A và chị B đã làm một mâm cơm mời hai bên gia đình, tổ hòa giải thôn 7 cùng tham gia để cảm ơn./
Nguyễn Thị Hương - huyện Ba Vì