HÒA GIẢI CƠ SỞ
Anh Tùng và chị Nghĩa quen nhau, yêu nhau từ khi anh chị còn là sinh viên đến khi ra trường, đi làm. Khi anh Tùng đưa chị Nghĩa về ra mắt gia đình đặt vấn đề cưới xin thì mẹ anh quyết liệt phản đối với lý do bà đã đi xem thầy, thầy bảo nếu hai người lấy nhau thì anh Tùng sẽ chết sớm.
Sau thời gian dài thuyết phục mẹ không được, anh Tùng và chị Nghĩa sử dụng phương án “gạo nấu thành cơm” để buộc gia đình phải thừa nhận.
Do bố mẹ vẫn không chấp nhận, nên anh Tùng và chị Nghĩa đã thuê nhà sống chung với nhau và có chung một bé gái 2 tuổi. Thấy con gái phải sống trong cảnh nhà trọ chật hẹp. Bố mẹ chị đã xoay sở gom góp, thiếu thì vay mượn thêm để mua cho 2 vợ chồng 1 căn hộ chung cư nho nhỏ, vẫn đứng tên ông bà.
Tuy nhiên, sau thời gian chung sống, giữa chị Nghĩa và anh Tùng lại phát sinh nhiều mâu thuẫn do anh chị vốn dĩ khác nhau về hoàn cảnh sống và tính cách. Bố mẹ chồng ghét bỏ con dâu, nên không nhận cháu. Anh Tùng quen sống trong cảnh được mẹ “phục vụ” cho mọi việc, không bao giờ “đụng tay đụng chân” việc nhà, có phần lười nhác, ham chơi. Mặc dù khi về sống chung với chị Nghĩa và có con nhỏ, chị nhiều lần nhắc nhở, “cằn nhằn” nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, thời gian “đi chơi” nhiều hơn ở nhà, một mình chị Nghĩa phải vừa chăm con, vừa lo việc nhà, nhiều lúc nói đến anh Tùng còn tỏ thái độ bực bội, không biết lỗi. Chị đã quá chán nản với cảnh chồng ham chơi, dạo gần đây chị lại biết anh còn có bồ.
Khi chị nói về vấn đề này, ban đầu anh còn chối nhưng sau thì có thái độ thách thức, coi thường vợ con. Chị Nghĩa đã làm hết cách, nhờ bạn bè và bố mẹ mình khuyên giải nhưng không kết quả, ngược lại anh Tùng càng tỏ thái độ tức giận. Nhiều lần vô cớ động tay động chân. Chị Nghĩa ngày càng chán nản và rơi vào trầm cảm. Gia đình phải đưa vào viện tâm thần để chữa trị nhưng bệnh củaa chị hay tái phát.
Vốn đã chán vợ, nay vợ thường xuyên bị bệnh, lại không đi làm được gì, Tùng càng hay gây sự, đánh đập vợ hơn. Trong một lần tỉnh táo, chị đã nói với mẹ trong nước mắt “mẹ ơi, mẹ có thể giúp con ly hôn không?”. Bà hiểu tình cảnh con gái mình và cũng không dám trách con rể. Tuy nhiên, tình cảnh này diễn ra liên tục, bà không đành lòng.
Qua một lần sang nhà, thấy con gái mặt bầm tím, thất thần, mẹ chị Nghĩa quyết định nói chuyện với con rể và khuyên anh nên ly hôn, tình cảm của hai đứa cũng không còn. Anh Tùng đắn đo: mẹ để con suy nghĩ đã, con vẫn chưa muốn ly hôn với vợ con.
Anh Tùng im lặng không nói gì. Sau vài tháng, mẹ chị Nghĩa nhắc lại khi vẫn thấy con gái bị đánh, biểu hiện bệnh ngày càng nặng, có lần chị còn có ý định tự tử. Bà viết đơn cho con gái ký và đưa đơn ly dị nhưng anh Tùng vẫn không ký.Mãi rồi bố mẹ chị mới biết lý do, là do căn hộ ông bà cho vợ chồng anh chị. Chung cư ngày càng có giá, khi mua chỉ hơn 1 tỷ mà giờ có giá gần 3 tỷ đồng. Cả đời anh làm công ăn lương ổn định cũng khó có thể mua được với giá nhà cao chót vót như hiện nay nên anh lưỡng lự, vừa muốn bỏ vợ nhưng lại tiếc căn nhà, vì ông bà còn chưa sang tên cho vợ chồng anh.
Mẹ chị Nghĩa trăn trở, thương con và muốn đưa con về nhà chăm sóc chữa trị cho dứt điểm bệnh tật. Bà về nhà và tìm tới bác Hòa, vốn nổi tiếng là người có uy tín, làm việc có trước có sau, hiểu biết, đã giúp hòa giải, tư vấn nhiều vấn đề cho bà con trong xóm để tìm hướng giải quyết cho con gái mình,
Sau khi hỏi cán bộ phường, bác Hòa đã tìm câu trả lời cho mẹ chị Nghĩa:
tâm, đây này: Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, chị Nghĩa bị trầm cảm nặng, có nguy cơ tâm thần, còn là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của chị. Vậy thì chị là mẹ, chị có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Bà nghe vậy mừng quá, cám ơn ông Hoà rối rít. Với bà, sức khỏe con gái mới là quan trọng nhất, đã đến lúc bà phải giúp đỡ con để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân “khốn khổ” và có thể giúp chị ổn định thần kinh, chữa hết bệnh./.
Lê Nguyễn