HÒA GIẢI CƠ SỞ

Đừng nói ra những lời khó nghe trước mặt con trẻ
Ngày đăng 23/07/2024 | 06:58  | Lượt xem: 92

Nhiều người thường nói rằng, trẻ còn nhỏ chưa biết gì. Vì thế cho nên, khi nói chuyện thường không để ý đến sự có mặt của trẻ hoặc nói điều khó nghe trước mặt trẻ mà tưởng rằng việc ấy chẳng ảnh hưởng gì.

Bé Bin con nhà chị Chi rất ít nói, trong ngõ nhỏ, các nhà quen thân nhau. Gặp nhau là xởi lởi chuyện trò nhưng bé Bin đi đâu không bao giờ thấy nó nói chuyện hay chào hỏi người lớn, hàng xóm ai hỏi gì cũng chẳng thấy nó trả lời. Vì thế, không biết bao lần thằng bé bị đưa vào câu chuyện của các bà lớn tuổi trong xóm kiểu như: “thằng cu Bin này cứ câm như hến” hay “hình như nó bị tự kỷ” hoặc là “cái mặt đã không đẹp gì cho cam, lại còn cạy răng cũng không thấy nó nói nửa lời.” Chuyện ấy có lúc được nói sau lưng, nhưng cũng nhiều lần trước ngay mặt thằng bé 5 tuổi.

Còn bé Na con chị Hạnh, sinh ra có vết bớt đen khá ở mặt, bố mẹ bé cũng dự tính khi con lớn chút sẽ đưa con đi phẫu thuật xử lý vết bớt. Thế nhưng không ít lần, mỗi lần nhìn thấy bé chơi một mình lang thang đầu ngõ, mấy bà hàng xóm lại tranh thủ tám chuyện bàn luận, kiểu như “Con bé này đã bị đánh dấu, chắc kiếp trước nó mắc lỗi gì nên quay trở lại đầu thai nhà này” hay: “Nhìn con bé này cứ thấy ghê ghê…” dù bé Na có hơn 3 tuổi nhưng dường như bé cảm nhận được và thường hay bám chặt lấy bố mẹ khi nhìn thấy hàng xóm…

Hay như cu Minh, là con của gia đình bố  đi tù vì phạm tội gây gổ, mất trự công cộng. Ngay từ bé, Minh cũng là cậu bé hơi ngỗ ngược, khó bảo, và hay quậy phá, dù mẹ có ngọt nhạt dỗ dành hay phân tích phải trái, bé cũng ít khi nghe lời và hay ăn vạ, nói hỗn. Mỗi lần bé đi qua,  khi không có mẹ, mấy bác hàng xóm hay tụ tập lại tranh thủ nhận xét: Đúng là cha nào con nấy, nhìn cái mặt nó đã biết là khó bảo, tôi nhất định không cho mấy đứa cháu nhà tôi chơi bời qua lại với nó, mới có 5 tuổi mà đã thế, sau này lại cùng vào tù ra tội như bố nó thôi….

Một lần, bác Trà, hòa giải viên của tổ dân phố có việc đi ngang qua, và tạt vào trò chuyện cùng mấy cô bà ở đó. Đang trong dịp hè, lũ trẻ trong xóm cũng đang tụ tập chơi với nhau. Nghe bà Lành quát cháu nội: “Đi về nhà ngay, bà đã bảo cháu, không được lại gần thằng Minh cơ mà, nó mà mất dạy lên thì chẳng phải đầu cũng phải tai, bà cấm tiệt. Nghe chưa?”

Ngạc nhiên, bác Trà hỏi nguyên do. Biết được lý do, bác Trà thở dài, kéo ghế tâm tình cùng các bà các cô trong xóm:

Các bác, các cô ạ, trẻ con bắt đầu từ 3 tuổi đã có thể ý thức được về giá trị bản thân. Đừng nghĩ chúng là trẻ con, chưa biết gì mà cứ vô tư mà bình phẩm trước các cháu như vậy:

Những đứa trẻ có thể chưa hiểu hết những gì họ nói nhưng qua cách nói chuyện và thái độ của chúng ta, chúng cũng có những hiểu biết nhất định. Nhất là trẻ em từ 5 tuổi trở đi đã bắt đầu có nhận thức đầy đủ và hoàn chỉnh về thế giới xung quanh. “Vì thế, người lớn có khi chỉ cần vô tình nói những câu cửa miệng cũng có thể làm tổn thương trẻ và dẫn đến suy nghĩ tiêu cực cho trẻ khi trưởng thành.

Trẻ chưa đủ lớn khôn, trưởng thành để tranh cãi lý lẽ đúng sai với người lớn. Với tư duy non nớt của mình, chúng sẽ bị ám ảnh, rồi tự kỷ ám thị, mình đúng là “kẻ vô tích sự”, là “đứa không ra gì”, như người ta nói.

Những đứa trẻ được yêu thương, nâng niu và trân trọng thì sau này mới có thể tự tin về bản thân, tự tin trước mọi người và có cơ hội thành công trong cuộc sống.

“Người lớn cũng nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, một tính cách riêng. Chúng ta không thể bắt mọi đứa trẻ đều phải hoạt ngôn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết vâng lời như nhau. Hãy nhìn nhận mỗi đứa trẻ ở độ tuổi, khả năng, hoàn cảnh gia đình và sự phát triển khác nhau để có cái nhìn khoan dung, trân trọng và yêu mến trẻ con hơn.

Ai cũng có quyền được yêu thương và cảm thông, nhất là những đứa trẻ. Đừng vì những lời nói “vui miệng” mà nói ra những lời khó nghe, làm tổn thương tâm hồn và đánh mất sự trong sáng của trẻ thơ.

Mấy bà hàng xóm nghe ra, mặt đỏ bừng nhìn nhau ngượng nghịu. “Chúng tôi đã sai rồi, cảm ơn bác ở tổ hòa giải đã phân tích, trò chuyện thấu đáo, chúng tôi sẽ không kỳ thị, hắt hủi và nói về cháu như vậy nữa”.

Lê Nguyễn