HỘ TỊCH - QUỐC TỊCH
Năm cuối đại học em và bạn gái sống chung với nhau, sau đó vì ra trường mỗi đứa làm việc một nơi, cô ấy có người mới nên tuyên bố chia tay.
Gần đây, em được biết cô ấy đã sinh con và có cảm giác đó là con mình vì tính tuổi của cháu. Cô ấy không thừa nhận cũng không phủ nhận, song không muốn em gần gũi với cháu.
Nếu đó là con em, em cần phải làm gì để nhận cha con và đường đường chính chính được chăm sóc cháu?
Trả lời
Theo khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, “nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Mặc dù nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng nhưng con của họ và hai người vẫn có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con như trường hợp con của vợ chồng có đăng ký kết hôn. Bởi vì, khoản 2 Điều 68 của Luật này quy định: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.
Nếu như con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng hoặc con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Theo khoản 1 Điều 88 của Luật này, “Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Có nghĩa là, về nguyên tắc con của nam nữ sống chung nhưng không đăng ký kết hôn được cha mẹ thừa nhận là con chung cần thực hiện thủ tục xác định cha, mẹ, xác định con.
Điều 25 Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”.
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, theo Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con”.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Theo khoản 1 Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết”.
Vì vậy, nếu bạn gái của bạn không thừa nhận bạn là cha của cháu bé, bạn cần có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, ví dụ văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền, nộp tờ khai theo mẫu cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bạn hoặc con để thực hiện đăng ký nhận con.
Hùng Phi