HỘ TỊCH - QUỐC TỊCH

Đăng ký khai sinh cho con khi chưa xác định được cha
Ngày đăng 15/03/2024 | 14:11  | Lượt xem: 233

Em họ tôi sinh con khi chưa lập gia đình. Cũng có người đến nhận là bố của cháu bé nhưng em họ tôi lại không đồng ý. Vậy trong trường hợp này khi đăng ký khai sinh có được để trống tên của cha hay không? Em họ tôi có thể đăng ký khai sinh cho con ở đâu?

Trả lời

Theo khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014, “Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này”.

Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.

Thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 16 của Luật này như sau:

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ”.

Như vậy, thông thường nội dung đăng ký và trên Giấy khai sinh khai sinh có thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, “trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống”.

Về thẩm quyền đăng ký khai sinh, theo Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014, “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”. Có nghĩa là có thể lựa chọn UBND cấp xã nơi cư trú củ cha hoặc mẹ để thực hiện thủ tục này.

Hướng dẫn cụ thể trường hợp bạn đề nghị tư vấn, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.

Lưu ý, nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Thu Hường