GÓC NHÌN

Trình Quốc hội xem xét sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp  bất thường lần thứ 9
Ngày đăng 20/01/2025 | 11:46  | Lượt xem: 59

Sẽ trình Quốc hội sửa đổi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác tư pháp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong Quý I/2025.

Sẽ trình Quốc hội sửa đổi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác tư pháp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong Quý I/2025.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, năm 2024 có nhiều sự kiện chính trị, pháp lý, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp phải nỗ lực, cố gắng hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Trong đó có thể kể đến việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thành lập, triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, nhằm rà soát, xác định vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những kết quả của hoạt động này là Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật sửa 4 luật về kế hoạch đầu tư, luật sửa 9 luật về tài chính; đồng thời đẩy sớm thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai – đạo luật được xem là hết sức cần thiết để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các luật này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cơ quan báo chí và có ý nghĩa quan trọng với xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng. Với tinh thần trên, số lượng luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua trong năm 2024 nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Bộ, ngành Tư pháp, pháp chế các ngành trong công tác soạn thảo, thẩm định văn bản.

Đồng thời, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ, Bộ Tư pháp đã mở nhiều đợt cao điểm truyền thông về: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; những tư tưởng lớn của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; công tác thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, trong đó có việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tổ chức bộ máy… để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp đã kịp thời phối hợp với cơ quan báo chí tổ chức các hội thảo, toạ đàm trao đổi, chia sẻ. Qua đó tiếp thu các ý kiến và thể hiện ở các đạo luật đã được Quốc hội thông qua và ở dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) – đạo luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế...

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là năm tập trung tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đồng thời là năm có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước và của ngành Tư pháp, trong đó có kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp mong muốn cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, truyền thông các hoạt động của Bộ, ngành, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và Quyết định số 407/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.

Tập trung truyền thông một số hoạt động chính như Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp với trọng tâm là quá trình nghiên cứu, xây dựng, thực thi chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đồng hành cùng Bộ, ngành Tư pháp đưa tin kịp thời về việc thực hiện, tác động, kết quả và giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng, hoàn thiện thể chế ở tầm quốc gia và ở các bộ, ngành.

Thứ trưởng cũng cho hay, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có nhiều quy định mới, thể hiện tư tưởng mới về phân cấp, phân quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước được vận hành một cách hiệu quả, hạn chế cấp trung gian, phát huy vai trò của pháp chế địa phương trong tham mưu xây dựng pháp luật; đổi mới quy trình lập pháp, lập quy vừa khoa học, chặt chẽ vừa linh hoạt, gắn với nhu cầu hoàn thiện thể chế... Hiện, Bộ Tư pháp đang khẩn trương, tích cực xây dựng dự án luật với mục tiêu để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sẽ được tổ chức trong tháng 2 tới.

Bảo Khánh