GÓC NHÌN
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu quan trọng về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu quan trọng về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 vừa qua của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải "đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp" nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cũng có văn bản gửi các vị đại biểu Quốc hội về việc thực hiện yêu cầu này.
Ngay tại Kỳ họp thứ 8, các cơ quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể hiện trong tất cả các khâu: Trình dự án, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Những kết quả, hiệu quả đạt được là rất tích cực.
Cụ thể, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, là số lượng dự án luật cao nhất được thông qua tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay (từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua 61 luật).
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho Kỳ họp; đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết trên tinh thần đồng hành thực chất, tranh luận đến cùng, tôn trọng lắng nghe, lý lẽ dân chủ nhưng phải đi đến phương án thống nhất tối ưu.
Các dự thảo báo cáo, tờ trình, luật, nghị quyết được kịp thời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Rút ngắn thời gian trình bày tờ trình, báo cáo, dành thời gian cho Quốc hội thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình; giảm thời gian thảo luận tại hội trường, tăng thời gian thảo luận tại tổ để nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu ý kiến.
Trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình hai kỳ họp như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Dữ liệu… Các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", chuyển tư duy từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, như Luật Đầu tư công, Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách….
Với tinh thần xây dựng luật ngắn gọn để đảm bảo tính ổn định, giá trị lâu dài, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan rà soát đưa ra khỏi dự thảo các luật, nghị quyết nhiều quy định cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Nhiều luật sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể số lượng các chương, điều, khoản so với dự thảo trình ban đầu như: Luật Công chứng giảm 2 chương, 3 điều, Luật Điện lực giảm 49 điều, Luật Việc làm giảm 36 điều, Luật Nhà giáo giảm 21 Điều; Luật Đầu tư công giảm 9 Điều; Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn giảm 6 Điều; Luật dữ liệu giảm 5 Điều …
Khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết.
Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2/2025, đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần quan tâm tới một số vấn đề lớn.
Cụ thể, đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của UBTVQH, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp bộ.
UBTVQH đề nghị Chính phủ và các cơ quan khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể (có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý) để UBTVQH xem xét, bổ sung vào Chương trình; cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương, kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.
Đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, do số lượng nội dung, văn bản quy định chi tiết cần được ban hành khá nhiều, riêng đối với 18 luật, Chính phủ, các Bộ cần ban hành 127 văn bản, một số luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2025, đề nghị từng Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn tập trung chỉ đạo để xây dựng, ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật, chưa kể còn một số dự án Chính phủ đang xem xét để tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình.
Sau kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025 chỉ còn hơn 2 tháng là bước vào Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội ngay từ tháng 12 này để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Đồng thời tập trung chuẩn bị, hoàn thiện các dự án được giao chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp tháng 2 và tháng 3/2025, tránh để dồn vào các phiên họp sát thời gian khai mạc Kỳ họp thứ 9.
Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, bảo đảm luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài...
Bảo Khánh
thông báo
- Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đến hết ngày 30/6/2025
- Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025
- Kế hoạch công tác tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025