GÓC NHÌN
Một trong những vấn đề đang được đặt ra khi xem xét sửa đổi Luật Quảng cáo là yêu cầu cần có giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng phù hợp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, trong đó cần chú trọng các hạn chế tiêu cực đến trẻ em.
Một trong những vấn đề đang được đặt ra khi xem xét sửa đổi Luật Quảng cáo là yêu cầu cần có giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng phù hợp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, trong đó cần chú trọng các hạn chế tiêu cực đến trẻ em.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho hay, nhiều nghiên cứu và quan sát thực tế cho thấy quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em.
Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo, tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục và cấm quảng cáo xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.
Những quy định này là đúng nhưng còn tương đối chung chung, chưa thực sự rõ ràng và việc nhận diện hay đánh giá thế nào về ảnh hưởng xấu của quảng cáo đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em là vấn đề cần quan tâm.
Nếu quảng cáo hướng đến trẻ em thì ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt đã có sự chú ý từ các chuyên gia và các cơ quan chức năng để xem xét, đánh giá. Nhưng, có những quảng cáo không trực tiếp hoặc không hoàn toàn hướng đến trẻ em nhưng trẻ em cũng có thể bị tác động khi tiếp nhận quảng cáo thì việc nhận diện và đánh giá tác động là khó khăn.
Ông Khảm cho rằng, một số quảng cáo có thể chưa vi phạm đến thuần phong mỹ tục nhưng có những hình ảnh không đẹp mắt, như quảng cáo thực phẩm có hình ảnh người truyền tải có động tác hay cách ăn uống rất xấu làm cho trẻ em tưởng rằng thế là đúng, thế là vui, trong khi chúng ta còn đang dạy trẻ em “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Hoặc quảng cáo có hình ảnh cơ thể như hình dáng, kích thước hay cân nặng của người truyền tải quảng cáo làm cho thanh, thiếu niên bị ám ảnh về hình thể của mình, dẫn đến các em có thể mặc cảm, rối loạn ăn uống, thậm chí là bất mãn hoặc ghét chính bản thân mình. Hay những quảng cáo có ẩn dụ về tình dục làm cho trẻ tò mò và tìm kiếm thông tin mà không phải từ những bài học giáo dục giới tính mà từ những ẩn ý có từ quảng cáo...
Vì thế, đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em và cần phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tiếp xúc quá sớm với những quảng cáo thường xuyên có thể dẫn đến những vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý.
Trong khi đó, quảng cáo trên mạng xã hội rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt là quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt quá những giới hạn cho phép của pháp luật. Vì vậy, xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) bày tỏ đồng tình với các nội dung sửa đổi theo hướng bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn các hoạt động quảng cáo trên mạng, việc tuân thủ các quy định khi quảng cáo trên mạng, trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người truyền tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo...
Hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử có kết nối Internet tất cả mọi lứa tuổi đều sử dụng bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng và lứa tuổi.
Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định đối với những quảng cáo không ở vùng cố định phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo cáo nội dung quảng cáo không phù hợp.
Đại biểu cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo bao gồm các nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, cần nghiên cứu theo hướng phải thiết kế tính năng, có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo...
Mai Chi
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh báo tham gia đầu tư ngoại hối qua 3 sàn lừa đảo “RichSmart, Topmax, GFS”
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại mỗi gia đình
- Những lưu ý để không bị tạm dừng giao dịch trên tài khoản ngân hàng từ 1/1/2025
- Cảnh giác khi đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo trên mạng