GÓC NHÌN

Phòng, chống rửa tiền trong hoạt động công chứng
Ngày đăng 02/10/2024 | 10:15  | Lượt xem: 88

Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và Hiệp hội Công chứng Liên bang Đức vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công chứng Việt Nam và Đức và ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và Hiệp hội Công chứng Liên bang Đức vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công chứng Việt Nam và Đức và ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho biết, việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam với Hiệp hội các Phòng Công chứng Cộng hòa Liên bang Đức nhằm kết hợp chặt chẽ việc phát triển và củng cố hệ thống công chứng, giấy tờ công chứng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức 2 nước.

Phạm vi hợp tác bao gồm các hoạt động độc lập, các hoạt động được phê duyệt trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế, đối thoại giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Đức.

Tại hội thảo, các công chứng viên, chuyên gia pháp lý đã thảo luận về phòng, chống rửa tiền trong hoạt động công chứng, kinh nghiệm về Quỹ bồi thường thiệt hại, vai trò của công chứng viên trong việc đăng kí doanh nghiệp...

Theo các công chứng viên, trong suốt quá trình từ khi gia nhập thị trường, doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi giải thể thì hồ sơ, tài liệu pháp lý, điều lệ công ty, của doanh nghiệp pháp luật hiện hành không bắt buộc công chứng, chứng thực.

Trong trường hợp người yêu cầu công chứng tự nguyện yêu cầu thì các tổ chức hành nghề công chứng cũng chưa có sẵn một thủ tục công chứng được pháp luật quy định để thực hiện công chứng cho người yêu cầu công chứng...

Theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền, tổ chức hành nghề công chứng cung cấp dịch vụ công chứng là thuộc đối tượng phải thực hiện báo cáo phòng, chống rửa tiền.

Tiến sĩ, công chứng viên Hoàng Văn Hữu, Trưởng Văn phòng công chứng Gia Khánh, thành phố Hà Nội cho hay, trong hoạt động công chứng, những giao dịch về tài sản có giá trị lớn như: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; ô tô; cổ phần, phần vốn góp trong công ty…là nơi trú ẩn và có thể thủ phạm thực hiện rửa tiền hữu hiệu nhất. Chính vì thế, công chứng viên cần nhận biết được những dấu hiệu đáng ngờ đối với các giao dịch đó.

Ví dụ như trong công chứng hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, các dấu hiệu đáng ngờ gồm: Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả; khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan đến bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; giá giao dịch giữa các bên không phù hợp giá thị trường...

Tuy nhiên, về nội dung “giá giao dịch giữa các bên không phù hợp giá thị trường”, các công chứng viên không thể biết được hoặc biết nhưng không chắc chắn cho nên cũng không thể báo cáo giá giao dịch giữa các bên là không phù hợp với giá thị trường được (có thể cao hơn rất nhiều hoặc thấp hơn rất nhiều giá thị trường).

Tội phạm thường sử dụng tiền bẩn để mua bất động sản. Điều này đặc biệt đúng trong các nền kinh tế giao dịch của yếu bằng tiền mặt như ở Việt Nam. Sau khi bán bất động sản, số tiền thu được có nguồn gốc hợp pháp. Tài sản thường được mua đứng tên họ hàng, vợ chồng, người thân trong gia đình.

Ông Hữu cho rằng, cần quy định đối với các giao dịch liên quan tới bất động sản (mua bán, chuyển nhượng); tặng cho tiền, cho vay tài sản; giao dịch khác có giá trị từ 400.000.000 đồng trở lên thì các bên bắt buộc phải thực hiện theo phương thức chuyển khoản.

Quy định như vậy thì các bên tham gia giao dịch sẽ phải thực hiện mở tài khoản, thanh toán bằng chuyển khoản; nhà nước sẽ quản lý được dòng tiền tham gia giao dịch; các tổ chức tín dụng dễ dàng nhận diện được hành vi rửa tiền hơn. Ngoài ra, tránh được tình trạng trốn thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển dịch tài sản giữa các bên.

Hiện nay, chương trình đào tạo nghề công chứng tại Học viện Tư pháp không có nội dung về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong hoạt động công chứng. Để nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, ông Hữu cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung đưa nội dung này vào chương trình đào tạo nghề công chứng...

Mai Chi