GÓC NHÌN

Giám sát phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống
Ngày đăng 16/12/2024 | 21:52  | Lượt xem: 50

Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và đổi mới tư duy xây dựng pháp luật này yêu cầu vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện, vừa là đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia vào.

Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Sửa đổi thẩm quyền, trách nhiệm về giám sát

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm -  Trưởng Ban Soạn thảo cho biết, dự thảo Luật gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 điều, bổ sung mới 8 điều và bãi bỏ 1 khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan.

Cụ thể, về giám sát của Quốc hội, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, vấn đề được giải trình tại phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát;...

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung 3 điều quy định: Xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn; Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn; phương thức, trình tự, thời gian thực hiện hoạt động giám sát; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Hội đồng nhân dân bầu. Bổ sung 2 điều quy định về xem xét việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã xây dựng 2 phương án đối với các nội dung quy định về: Bổ sung nguyên tắc mới trong Luật và quy định nội dung của nguyên tắc này trong một số điều của dự thảo Luật; thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo; bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri...

Giám sát phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống

Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề cập đến tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát. Theo đó, phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống,  của các địa phương, các vấn đề còn tồn tại lâu dài chưa được quan tâm... Theo đại biểu, cần xem xét, quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương.

Cũng theo đại biểu, theo quy định hiện hành thì Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về chất vấn. Vấn đề này được hiểu là sau khi chất vấn nếu thấy cần thiết thì Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết hoặc không ban hành nghị quyết. Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn khi mà kỳ họp Hội đồng nhân dân chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.

Công tác chuẩn bị xây dựng nghị quyết ngay trong kỳ họp sẽ không đảm bảo chất lượng và mất nhiều thời gian. Do đó, cần giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành. Trường hợp quy định bắt buộc phải ra nghị quyết về chất vấn như dự thảo Luật thì cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng chính sách, lấy ý kiến và khảo sát tại các địa phương.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) quan tâm đến việc bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát. Nữ đại biểu cho biết, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và đổi mới tư duy xây dựng pháp luật này yêu cầu vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện, vừa là đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia vào.

Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì đòi hỏi giám sát phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo.

Do đó, đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1 trong dự thảo là Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 của Điều 3: Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, đại biểu Trần Khánh Thu lựa chọn phương án 1 trong dự thảo Luật. Theo nữ đại biểu, việc chuyển thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận một số báo cáo từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm.

Đồng thời tạo thuận lợi để Chính phủ; bộ, ngành trong quá trình thống kê, xây dựng báo cáo tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, làm cơ sở cho việc đánh giá toàn diện kết quả công tác trong năm của cơ quan chịu sự giám sát, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị nghiên cứu, bổ sung trình tự, thủ tục để Ban của Hội đồng nhân dân đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Mai Chi