GÓC NHÌN
Theo Luật Thủ đô, Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, các công trình ngầm công cộng trên địa bàn Thành phố.
Theo Luật Thủ đô, Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, các công trình ngầm công cộng trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời quy định chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và sử dụng các phương tiện giao thông phát thải thấp; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc giao thông, giảm phát thải; áp dụng phí giảm ùn tắc giao thông.
Hội đồng nhân dân Thành phố cũng sẽ quy định chính sách phát triển đường vành đai, trung tâm logistic, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố và kết nối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô; khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải; chính sách quản lý, khai thác đường đô thị, đường sắt đô thị, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị.
Tham luận tại hội thảo khoa học triển khai thi hành Luật Thủ đô do thành phố Hà Nội vừa tổ chức, ThS, KTS. Lê Hoàng Phương (Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội - VIUP, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng) cho rằng, cần tăng cường kết nối vùng, kết nối giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Cần xây dựng mạng lưới giao thông đa phương thức kết nối thuận lợi từ trung tâm Hà Nội tới các địa phương lân cận. Đặc biệt, phát triển hệ thống các sân bay quốc tế như nâng công suất cảng hàng không Nội Bài, xây dựng cảng hàng không phía Nam, khai thác lưỡng dụng sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm, phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc, đường sắt xuyên Á,... sẽ giúp cụ thể hóa mục tiêu thành phố kết nối toàn cầu.
Đồng thời, ThS, KTS. Lê Hoàng Phương cho rằng, xác định chuyển đổi trọng tâm, mang tính chiến lược cho sự phát triển bền vững của đô thị là chuyển đổi phương thức đi lại thông qua phát triển hệ thống giao thông công cộng với 14 tuyến đường sắt đô thị, mạng lưới các tuyến xe bus, xe điện... để đảm bảo tiếp cận hệ thống giao thông công cộng an toàn, thuận tiện, bền vững và mở rộng hệ thống giao thông công cộng để nâng cao chất lượng sống.
TS. Bùi Việt Hương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, hệ thống giao thông của Thủ đô đang được triển khai đầu tư xây dựng theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng giao thông không đáp ứng được so với việc phát triển đô thị, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,07% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 16% - 26%). Số lượng các phương tiện giao thông cá nhân bình quân ở Hà Nội tăng 11%/năm, trong khi đó tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực trung tâm Thành phố gần như không tăng...
Chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia, PGS, TS Phạm Thị Thanh Bình (Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội) cho hay, Nhật Bản là quốc gia thành công trong việc phát triển gắn kết giữa các khu đô thị và giao thông công cộng theo mô hình TOD. Ở Nhật Bản, khi một tuyến đường được khởi công, việc xây dựng các hộp kỹ thuật cho điện chiếu sáng, ống cấp thoát nước đã được thiết kế hoàn thiện thi công trong lòng đất trước đó.
Còn Seoul, Hàn Quốc đã thực hiện quy hoạch đô thị toàn diện, phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại và hiệu quả như tàu điện ngầm và đường sắt cao tốc, giúp tăng cường tính kết nối và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cũng theo PGS, TS Phạm Thị Thanh Bình, hệ thống tàu điện ngầm (MRT) là hệ thống giao thông trọng yếu của Singapore. Phương tiện giao thông công cộng thuận tiện nên luôn thu hút người dân, nhờ đó đã giảm bớt sự phụ thuộc vào phương tiện di chuyển cá nhân, đồng nghĩa áp lực hạ tầng giao thông sẽ giảm bớt...
Mai Chi