GÓC NHÌN
Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Việc làm, với nhiều đề xuất chính sách quan trọng về tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm, đào tạo nghề, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp...
Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Việc làm, với nhiều đề xuất chính sách quan trọng về tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm, đào tạo nghề, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp...
Sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được trình Quốc hội, Nhà nước hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt động: Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm; tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề qua trung tâm dịch vụ việc làm; giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua trung tâm dịch vụ việc làm.
Đồng thời, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.
Nhà nước cũng hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi; chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh; bổ sung các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực việc làm; sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa.
Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phù hợp với chủ trương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Luật Bảo hiểm xã hội 2024; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024...
Cần chính sách thiết thực để hỗ trợ thanh niên
Thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, chính sách việc làm theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) còn khá chung chung, điều kiện và nội dung hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên cũng chưa thiết thực, không có sự khác biệt so với các đối tượng khác, chưa thể hiện được tầm quan trọng của thanh niên là lực lượng lao động đặc biệt.
Cho biết lực lượng lao động thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chiếm 11,1% tổng lực lượng lao động, tương đương gần 6,1 triệu người, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm nêu rõ, hiện chưa có nhiều chính sách cụ thể được ban hành để hỗ trợ việc làm riêng cho thanh niên.
Để các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên được thực thi hiệu quả trong thực tiễn kỷ nguyên số hiện nay, đại biểu cho rằng cần xem xét bổ sung thêm, khuyến khích tạo môi trường việc làm cho thanh niên thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm đẩy mạnh đào tạo các kỹ năng số, kỹ năng mềm, ý thức kỷ luật. Từ đó giúp thanh niên nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, nhất là thị trường lao động số.
Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong chiến lược tạo môi trường việc làm cho thanh niên nhằm mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài để tạo thêm cơ hội việc làm, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế số.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thông qua việc thiết lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung và mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và thanh niên khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó, khai thác triệt để tài nguyên vốn có tại chỗ, tận dụng các lợi thế về cơ chế, chính sách để hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
Các chính sách cần hướng đến chọn lựa các mô hình, dự án tối ưu tiệm cận các điều kiện hiện đại và phù hợp vào tiêu chuẩn, xu hướng chung của thế giới. Ngoài ra, cần hướng đến khuyến khích hợp tác công tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên.
Về quy định “cơ sở giáo dục, gia đình có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc”, nữ đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa rõ ràng, rất khó thực hiện. Do đó, cần quy định thêm về trách nhiệm của cơ sở giáo dục chủ động trong việc nắm thông tin quản lý học sinh, sinh viên để có cơ chế hỗ trợ, theo dõi và phối hợp xử lý khi có các vụ việc phát sinh liên quan đến người học đang tham gia học tập tại đơn vị mình...
Mai Chi
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh báo tham gia đầu tư ngoại hối qua 3 sàn lừa đảo “RichSmart, Topmax, GFS”
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại mỗi gia đình
- Những lưu ý để không bị tạm dừng giao dịch trên tài khoản ngân hàng từ 1/1/2025
- Cảnh giác khi đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo trên mạng