GÓC NHÌN

Bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam
Ngày đăng 17/12/2024 | 00:07  | Lượt xem: 47

Ngày 16/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024.

Ngày 16/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nhâm Ngọc Hiển cho biết, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch năm 2014, ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.

Qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.

Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được hiện đại hóa thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (gồm trên 10.000 Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác.

Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt trên 98%. Trong đó, tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động đề ra...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho rằng, để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã được nhận diện thì cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan.

Đồng thời các cấp chính quyền cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã; đảm bảo phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký và thống kê hộ tịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch và lĩnh vực liên quan.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch theo hướng bảo đảm tính khả thi, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số, hiện đại hoá phương thức đăng ký hộ tịch, đẩy mạnh việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình/Kế hoạch công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị; gắn việc triển khai Chương trình hành động với việc thực hiện Luật hộ tịch; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm đạt được mọi chỉ tiêu, tỷ lệ đã đề ra.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền lợi và trách nhiệm đăng ký hộ tịch, ý nghĩa, vai trò quan trọng, của đăng ký và thống kê hộ tịch toàn diện trong giai đoạn 2025-2030 vì một tương lai bền vững của Việt Nam.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; tập trung nguồn lực để hoàn thiện Dự án đầu tư công về nâng cấp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc thực hiện Chương trình hành động, trong đó Bộ/Ngành Tư pháp giữ vai trò chủ trì.

Tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài cho công tác đăng ký và thống kê hộ tịch toàn diện, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động khảo sát, đánh giá kết quả thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử...

Mai Chi