GÓC NHÌN

“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Cơ hội và thách thức”
Ngày đăng 28/12/2024 | 02:50  | Lượt xem: 41

"Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức", đây là chủ đề cuộc Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27-12.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích về nội hàm, nội dung, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới; đích đến của kỷ nguyên vươn mình; cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; các yêu cầu đặt ra trong triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực; cơ hội, vận hội, thời cơ và thuận lợi của đất nước trong kỷ nguyên mới cũng như những khó khăn, thách thức cần được nhận diện để ứng phó, đối mặt và vượt qua…

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: Kim Liên

Nói về thông điệp “kỷ nguyên vươn mình”, PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho biết, thông điệp, tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua hoàn toàn nhất trí và quyết định đưa vào văn kiện của Đại hội tới để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực sự bước vào với khí thế tăng tốc, bứt phá và đổi mới quyết liệt, để tạo ra bước phát triển bứt phá nhảy vọt.

Đồng tình với quan điểm cho rằng với thế và lực sau 40 năm đổi mới mà nước ta đã tích lũy được, đây là thời điểm chín muồi để đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam và đây cũng là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, PGS. TS Đào Duy Quát khẳng định: Với vị trí, trọng trách của người đứng đầu Đảng, trong gần nửa năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều bài phát biểu, bài viết, đưa ra thông điệp được đánh giá là một tư tưởng rất lớn. Đó là nhân dân ta, đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên tăng tốc bứt phá để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ này trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình. Thông điệp này, tư tưởng lớn này được đặt ra để toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về kỷ nguyên mới.

Tham dự trực tuyến, từ Singapore, GS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có tính chiến lược, vừa có tính đột phá; cho rằng “Thông điệp của Tổng Bí thư rất rõ ràng. Điểm đặc sắc trong thông điệp của Tổng Bí thư không chỉ là nội dung mà còn cả hành động. Người Việt Nam ở xa Tổ quốc như tôi cảm thấy vô cùng tự hào và rất có niềm tin”.

Ông cũng phân tích về bốn đặc trưng để đưa một dân tộc đi đến thành công: Xúc cảm dân tộc, tính khai sáng, cải cách xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, kiến tạo. Liên tưởng đến hình tượng Thánh Gióng “vươn mình”, ông đưa ra 3 điểm của Thánh Gióng. Thứ nhất là phải tìm đến người tài, vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường, phải suy nghĩ đột phá; thứ hai là phải dựa vào dân; thứ ba là dựa vào thế hệ trẻ. Tính thực tế của Việt Nam trong hai thập kỷ tới hoàn toàn có thể đạt được, vì chúng ta đã có vị thế và tiềm lực rất tốt. Việt Nam chuẩn bị khá tốt để bước vào công cuộc này.

Để bước vào kỷ nguyên mới, nhiều ý kiến cũng nêu lên những vấn đề đặt ra đối với Đảng trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu, bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, thực sự là hạt nhân trí tuệ trong bộ máy lãnh đạo, cầm quyền; cho rằng trọng tâm hiện nay là Đảng này phải tự đổi mới và chỉnh đốn, phải tự vươn mình lãnh đạo để thực hiện cho được khát vọng của dân tộc. Tự đổi mới và chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trên hết phải đổi mới phương thức lãnh đạo, ra nghị quyết cho trúng, cho đúng và đọc dễ hiểu. Khi truyền đạt, quán triệt phải đi vào lòng người. Phải để bộ máy tinh gọn nhưng vận hành trơn tru, có hiệu lực, hiệu quả. Việc lựa chọn con người, phải lấy các nhiệm vụ, công việc của từng vị trí để chọn người có đức, có tài đáp ứng nhiệm vụ, thậm chí không nhất thiết phải là đảng viên.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, yêu cầu đặt ra là Đảng phải luôn nắm bắt được các xu thế của thời đại, thể hiện qua sự tiến bộ về nhận thức của Đảng, thể hiện qua chủ trương đường lối lãnh đạo truyền cảm hứng cho các lực lượng trong xã hội và phải chuyển hóa thành hành động quyết liệt từ lãnh đạo cấp cao nhất cho tới cấp cơ sở.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng mong muốn các cơ quan công quyền thông qua hệ thống chính sách cần hành động để tạo nhiều hơn nữa cơ hội cho các cá nhân, tổ chức để họ phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Chia sẻ, đến thời điểm này, cụm từ "kỷ nguyên mới" rất truyền cảm hứng, được nhân dân đón nhận, tin tưởng, TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, sau gần 40 năm đổi mới chúng ta phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình. Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: Phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ.

Cụm từ "vươn mình" như một sự nhắc nhở, cảnh báo chúng ta phải bứt phá, nếu không chúng ta vẫn có thể phát triển nhưng luẩn quẩn ở mức dưới 10.000 USD/người/năm và không thể gia nhập được nhóm các quốc gia phát triển, không thể hiện thực hóa được tầm nhìn 2045 là thay đổi vị thế của quốc gia, của dân tộc trên trường quốc tế.

Với những căn cứ hết sức thực tế mà chúng ta quan sát được, cảm nhận được tâm thế xã hội, tôi muốn khẳng định: "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động và nêu ra hiện nay đang được người dân rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ, tạo niềm cảm hứng trong toàn hệ thống xã hội. Người dân kỳ vọng Đại hội XIV của Đảng sẽ là dấu mốc để chúng ta thực sự bắt tay vào việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ sắp tới.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, nếu Đảng quyết định chủ trương, chính sách thì người tài trong Đảng phải là những chính khách tài giỏi, người có tầm nhìn đúng, biết xác lập ưu tiên của dân tộc, thúc đẩy những chính sách đưa lại sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc. Những người đó nên ở trong bộ máy lãnh đạo Đảng. Có những vị trí cần những nhà kỹ trị. Chính sách thì phải từ những người lãnh đạo của Đảng, còn thực thi chính sách phải là những nhà kỹ trị và các nhà kỹ trị phải có chuyên môn, phải giỏi

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, điều này có giá trị định vị, đó là một sự kiện đánh dấu. Đây là một lựa chọn mang tính chất định mốc hành động. Kỷ nguyên mới bao giờ cũng được đặc trưng bằng những tính chất, đặc điểm; kỷ nguyên mới của chúng ta là "kỷ nguyên vươn mình", tức là một kỷ nguyên hành động, tính hành động rất mạnh, rất cao.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng mong muốn các cơ quan công quyền thông qua hệ thống chính sách cần hành động để tạo nhiều hơn nữa cơ hội cho các cá nhân, tổ chức để họ phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

BÌNH LIÊN (tổng hợp)